Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

(Baohatinh.vn) - Hai trận lũ lớn vừa qua khiến bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua thôn Hương Thọ, xã Đức Hương (Vũ Quang, Hà Tĩnh) ngày càng bị xói lở, nhiều nhà dân chênh vênh bên... miệng “hà bá".

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

Bờ sông Ngàn Sâu sạt lở sau những trận mưa lũ cuối tháng 10.

Bất lực đứng nhìn hàng trăm m3 đất vườn bị dòng lũ "ngoặm" sâu từng ngày, ông Trần Sỹ Công (SN 1961, thôn Hương Thọ, xã Đức Hương) không khỏi xót xa: "Nhìn vườn tược cứ mỗi ngày một thu hẹp, tôi rất lo lắng. Cứ đà này, ngôi nhà của gia đình sẽ bị nước cuốn lúc nào chẳng hay".

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

Khu vườn của gia đình ông Trần Sỹ Công bị dòng sông “ăn dần”

Ngôi nhà của ông Công được xây dựng từ 30 năm trước, khi ấy cách bờ sông khoảng 20m. Tuy nhiên, trải qua thời gian, khu vườn của gia đình ông đã bị dòng sông “ăn dần”, giờ chỉ cách bờ sông chưa đầy 10m.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

Nước rút, để lại những vết sạt lở ven đất vườn của các hộ dân sống dọc bờ sông.

“Để bảo vệ đất vườn và ngôi nhà, tôi đã nhiều lần làm kè bằng đá và thép nhằm giữ đất nhưng biện pháp này chỉ là tạm thời. Chứng kiến ngôi nhà cấp bốn nằm chênh vênh bên miệng “hà bá”, gia đình tôi rất bất an, nhiều lần muốn di dời nhà lên sát đường lớn nhưng không đủ kinh phí”, ông Công cho hay.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

Tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu khiến người dân thôn Hương Thọ thường trực nỗi bất an.

Theo nhiều người dân, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua thôn Hương Thọ vẫn đang tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân nơi đây đang phải gồng mình, sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ.

Bà Nguyễn Thị Nhân (SN 1964, thôn Hương Thọ) cho biết: “Chúng tôi chỉ biết chống chọi với sạt lở bờ sông bằng cách đắp đất bồi thêm nhưng không được bao lâu, mưa lũ kéo về lại cuốn trôi hết...”.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

Để hạn chế tình trạng sạt lở, người dân đã dùng đá để kè dọc vườn...

Bà Nhân cũng cho biết thêm, nơi đây thuộc vùng trũng thấp nên mỗi khi mưa lũ, toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn đều bị ngập nước, đất đai cứ thế chảy ra sông.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

Tuy nhiên, biện pháp này như “muối bỏ bể”, đất vườn của các hộ dân vẫn bị dòng lũ cuốn trôi.

Ông Trần Đình Tứ - Bí thư Chi bộ thôn Hương Thọ cho biết: "Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về chảy xiết nên tình trạng sạt lở ngày càng mạnh. Riêng sau hoàn lưu bão số 8 và 9 vừa qua, nước lũ đã cuốn trôi hàng chục m2 đất vườn của chúng tôi, bà con chỉ biết ngậm ngùi nhìn từng tấc đất bị dòng sông "lấy" đi mà không biết làm gì hơn. Người dân chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục để yên tâm sinh sống, sản xuất".

Bà Nguyễn Thanh Hà (SN 1967, thôn Hương Thọ) chia sẻ thêm: “Bà con chúng tôi sợ nhất là mỗi khi trời mưa to, nước sông dâng lên nhanh, chảy tràn ngập cả vườn. Khi nước rút, đất “trũng” thành từng hố sâu, chúng tôi lại phải vay mượn tiền để mua đất lấp lại.

Đặc biệt, sát bờ sông có hai cột điện cao thế đang có nguy cơ bị lũ làm đỗ gãy, cuốn trôi, chúng tôi đang rất lo lắng".

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh sống bất an bên... miệng “hà bá”

Những vết sạt dựng đứng đe dọa cuộc sống của các hộ dân sống dọc bờ sông.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Hương Lê Văn Lợi cho biết: “Hai trận lũ lớn vừa qua đã khiến bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua thôn Hương Thọ bị sạt lở nghiêm trọng, 38 hộ với khoảng 200 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã đến kiểm tra tình trạng sạt lở và báo cáo với UBND huyện để có biện pháp khắc phục kịp thời, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất".

Cũng theo ông Lợi, để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi xảy ra mưa lũ, chính quyền địa phương đã xây dựng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Đợt mưa lũ vừa qua, thôn Hương Thọ có 28 hộ nằm trong diện phải sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.