Người “giữ hồn” cho đèn Trung thu truyền thống

(Baohatinh.vn) - “Tôi không nhớ mình đã làm được bao nhiêu cái đèn, chỉ biết rằng ngay từ khi còn nhỏ đã học được ông bà, cha mẹ làm đèn Trung thu, một phần vì thú chơi, phần vì muốn duy trì những nét đẹp truyền thống cho con cháu”.

Trong căn nhà nhỏ của ông Trương Viết Dũng (SN 1950) ở ngõ 25, đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh) những ngày cận kề Tết Trung thu, bất cứ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những chiếc đèn Trung thu lớn nhỏ rực rỡ sắc màu được bày ra sân nhà, phòng khách... Gần 70 tuổi, người đàn ông này đã có đến 28 năm làm đèn Trung thu. Dù sức khỏe cũng yếu nhiều sau cơn bạo bệnh, thế nhưng, ông vẫn rất hào hứng kể về cơ duyên gắn bó với nghề.

Ông bắt tay vào nghề này khi đời sống của đa số người dân đang gặp khó khăn, đồ chơi Trung thu còn rất hiếm. Đứa trẻ nào có chiếc đèn ông sao là cả bọn xúm đông xúm đỏ vào cùng chơi. Vì niềm vui con trẻ, từ đó cứ mỗi dịp Trung thu, ông quyết định gác lại công việc, mua vật dụng về tự làm những chiếc đèn Trung thu truyền thống đầy màu sắc.

Người “giữ hồn” cho đèn Trung thu truyền thống

Vì niềm vui con trẻ, cứ mỗi dịp Trung thu, ông Trương Viết Dũng quyết định gác lại công việc, mua vật dụng về tự làm những chiếc đèn Trung thu truyền thống đầy màu sắc.

Mỗi dịp Trung thu, căn nhà nhỏ của ông trở thành xưởng sản xuất đèn, đa phần là đèn ông sao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chiếc đèn ông sao do ông làm ngày càng tinh xảo, đẹp mắt...

"Để đèn bền đẹp cần làm bằng tre tốt, già và các loại giấy bóng kính, giấy dán được tìm lựa cẩn thận. Sau này, tôi dự định tự cắt tỉa những bông hoa trang trí, những hình nổi động vật, khẩu hiệu 5 điều Bác Hồ dạy... phù hợp với trẻ nhỏ. Đặc biệt là ở giữa đèn ông sao không thể thiếu hình Bác Hồ. Điều khiến tôi vui nhất là mỗi dịp Trung thu, con cháu, trẻ con khu phố tập trung đông vui bên chiếc đèn tôi làm" - ông Dũng chia sẻ.

Người “giữ hồn” cho đèn Trung thu truyền thống

Đối với ông, đèn ông sao năm cánh nhất định phải có ảnh Bác Hồ

“Thần đèn” bắt đầu vào công việc từ đầu tháng 6 âm lịch để kịp giao cho các trường học, khu phố và cho các cháu vui chơi dịp Tết Trung thu. Để hoàn thiện được một chiếc đèn ông sao phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Vót tre, dựng khung, cắt dán giấy trang trí… nhưng theo ông, khó nhất là dựng khung.

Mỗi ngày ông làm tới 10-12 tiếng đồng hồ, có khi mải miết quên cả ăn trưa. Vì làm một mình nên một ngày ông chỉ làm được 2-3 chiếc đèn ông sao cỡ vừa. Giá bán của mỗi chiếc từ 100.000 - 150.000 đồng. Ngoài ra, ông còn làm thêm đèn Trung thu hình cá chép lộng lẫy sắc màu khiến trẻ con rất thích thú.

Cũng chính vì lòng đam mê và nhiệt huyết với nghề mà nhiều năm nay, ngôi nhà của ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người tìm mua đèn Trung thu truyền thống. Đặc biệt, trung thu năm nào ông Dũng cũng đi xe máy để bán hàng nhưng cũng vừa để giới thiệu, nhắc nhở mọi người về một Trung thu giản dị trong tiềm thức.

Ông tâm sự: “Ở thế hệ trước, người làm đèn Trung thu rất nhiều, trẻ con cũng thích đồ chơi truyền thống hơn, nhưng đến nay, đồ chơi ngoại tràn lan, mẫu mã phong phú, nhiều kiểu dáng thu hút hơn nên sản phẩm truyền thống có phần bị lãng quên. Thế nhưng, tôi vẫn không nản lòng mà quyết giữ nghề để đem lại niềm vui an toàn, ý nghĩa cho con trẻ…”

Người “giữ hồn” cho đèn Trung thu truyền thống

Ông còn làm thêm đèn Trung thu hình cá chép lộng lẫy sắc màu, mang đậm chất dân gian

Mỗi mùa Trung thu, ông Dũng tự làm được từ 20-30 chiếc đèn. Dù số tiền thu được chẳng đáng là bao nhưng ông cũng vui mừng vì những năm gần đây, các bậc phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến đồ chơi dân gian, hướng các cháu nhỏ biết đến những giá trị truyền thống khi họ tìm đến ông để đặt đèn khá nhiều.

“Tôi mong thật nhiều em nhỏ biết làm đèn Trung thu, nhiều người đam mê, nhiệt huyết với nghề hơn nữa để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Được như thế là mãn nguyện rồi” - “thần đèn” chia sẻ

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.