Bà nhận được sự theo dõi sát sao từ hồi còn là Đệ nhất phu nhân những năm 90 thế kỷ trước. Năm 1995, bà có bài phát biểu đột phá tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ tại Bắc Kinh, trong đó bà tuyên bố: "quyền phụ nữ là nhân quyền".
Chính phủ Trung Quốc sau đó nhanh chóng kiểm duyệt bài phát biểu do không muốn bị bẽ mặt trước thế giới.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton phát biểu về quyền phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995
Ngày nay, quan chức Trung Quốc thường có thái độ không ủng hộ với bà Clinton (thể hiện qua các mục ý kiến trên phương tiện truyền thông nhà nước). Mặc dù vậy, dư luận Trung Quốc nói chung lại có những góc nhìn đa chiều hơn.
Giới chính trị: "Hallary Clinton" là tác nhân xấu xa ở Biển Đông"
Năm 2013, khi bà Clinton kết thúc nhiệm kỳ làm Ngoại trưởng, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng một báo cáo đặc biệt đánh dấu sự ra đi của bà. Bài báo miêu tả bà Clinton là "chính trị gia Mỹ bị cư dân mạng Trung Quốc ném đá nhiều nhất" và đổ lỗi cho bà vì "phá hoại nghiêm trọng quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước láng giềng chỉ trong thời gian ngắn."
Vào tháng 4/2015, trong ngày bà Clinton tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống Mỹ 2016, một bài báo về bà được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của tờ Nhật báo Nhân dân phiên bản quốc tế. Nội dung bài báo tổng kết "lịch sử quan hệ khó khăn với Trung Quốc" của bà Clinton và miêu tả bà là chính trị gia bài xích Trung Quốc.
Bài báo nêu dẫn chứng:
- Việc bà Clinton tấn công vấn đề nhân quyền của Trung Quốc năm 2008. Theo bài báo, mục đích của việc này là để thu hút tài trợ cho vòng sơ bộ bầu cử Tổng thống năm 2008 mà bà Clinton tham gia.
- Lời chỉ trích của bà đối với tình hình tự do internet tại Trung Quốc.
- Bài phỏng vấn của bà với tờ The Atlantic năm 2011, trong đó bà gọi nỗ lực đàn áp những người bất đồng ý kiến là "việc tốn công vô ích".
- Lời khẳng định của bà năm 2012 rằng mức tăng trong đầu tư vào Châu Phi của Trung Quốc là một kiểu "thuộc địa mới".
- Lời tuyên bố năm 2012 của bà rằng quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) đang gây tranh chấp thuộc chủ quyền Nhật Bản; và
- Các gợi ý rằng bà ủng hộ một cuộc "cách mạng sắc màu" (ám chỉ các phong trào đấu tranh không bạo động để đối phó với chính quyền) tại Trung Quốc.
Các cây bút bình luận cho chính phủ cũng cho rằng bà là "tác nhân xấu xa" của tranh chấp biển Đông, do bà tuyên bố rằng đây là mối quan tâm an ninh của toàn khu vực và nước Mỹ, trong Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội năm 2010.
Mạng xã hội: Người ủng hộ, kẻ ném đá
Giọng điệu trên mạng xã hội Trung Quốc đa phần giống với giọng điệu chính quyền khi nhắc đến bà Clinton.
Trong một xã hội chưa từng có người phụ nữ nào được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, cách thông thường để "dìm" một người phụ nữ mạnh mẽ là đổ cho họ tiếng xấu "thô bạo, lỗ mãng", hoặc những tính cách tệ hại hơn, hay đặt bình luận kiểu mỉa mai "đàn bà thành công trong sự nghiệp thì gia đình kiểu gì cũng đổ vỡ".
Trên mạng xã hội Trung Quốc, các bình luận về bà Clinton không chỉ có xu hướng phân biệt giới tính mà còn kỳ thị tuổi tác.
Người dùng mạng Weibo thường trích dẫn câu nói nổi tiếng của Trump nhắc lại lần ngoại tình của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton ("Nếu Hillary Clinton không làm chồng bà ta hài lòng được thì sao bà ta có thể nghĩ mình lại làm hài lòng được nước Mỹ?").
Hay một bình luận của độc giả dưới tin tức của tờ Bành Bái về cuộc điều tra việc sử dụng email cá nhân của bà Clinton có lẽ là đặc trưng cho luồng ý kiến chung: "Bà ấy già quá rồi. Sao bà ấy không về nhà mà bế cháu?".
Người Trung Quốc tin rằng phụ nữ trên 55 tuổi (độ tuổi nghỉ hưu) nên ở nhà giúp trông cháu. Do vậy việc bà Clinton chạy đua vào ghế Tổng thống gây khó hiểu cho nhiều người Trung Quốc.
Vợ chồng cựu Tổng thống Clinton và cháu ngoại. Nhiều người Trung Quốc nghĩ bà Clinton đã quá già để làm việc, và nên về trông cháu
Nhưng trong cộng đồng mạng Trung Quốc không phải không có những ý kiến ủng hộ bà Clinton.
Con số người hâm mộ bà ngày càng tăng – chủ yếu là phụ nữ, người ủng hộ nữ quyền, trí thức và người theo chủ nghĩa tự do cá nhân – vì mà bà, một người phụ nữ, đạt được. Một bài báo miêu tả sự nghiệp chính trị ấn tượng của bà Clinton trên trang weibo chính thức của tờ Tuần báo Tam Liên có khá nhiều bình luận tích cực.
Một độc giả của tờ này viết: "Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của bà vì vẫn theo đuổi giấc mơ ở tuổi này". Một bình luận khác cho rằng: "Bà là hình mẫu lý tưởng cho phụ nữ như tôi. [Tất cả chúng ta nên] cố gắng vì một lý tưởng cao cả, bất chấp giới tính, quốc tịch và hoàn cảnh cá nhân."
Khi 5 nhà hoạt động vì quyền phụ nữ bị Trung Quốc quản chế năm 2015 và buộc tội "tranh chấp và gây rối" do lên kế hoạch biểu tình ở nhiều thành phố nhằm kêu gọi chấm dứt nạn quấy rối tình dục trên phương tiện công cộng, trên Twitter, bà Clinton đã chỉ trích ông Tập Cận Bình là "không biết xấu hổ".
Điều này khiến bà nhận được thêm sự ngưỡng mộ từ những người hoạt động vì quyền lợi phụ nữ ở Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn CNN, Lý Đình Đình, một người trong nhóm trên, nói "[Mặc dù] tôi không đồng tình với tất cả chính sách chính trị của bà Clinton, điều quan trọng nhất là việc Hillary Clinton trở thành Tổng thống sẽ là niềm tự hào của phụ nữ - kể cả ở Trung Quốc."
Tựu chung, trong khi cơ quan ngôn luận chính thống tỏ ra không thích bà Hillary Clinton, công chúng lại có nhiều ý kiến trái chiều. Việc quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khởi sắc hơn dưới thời Trump hay Clinton lại là một câu hỏi khác sẽ được đề cập sau.