Ông là người Việt Nam đầu tiên và là một trong số 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu cao quý này đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Họ là những người có nhiều đóng góp cho đa dạng sinh học ASEAN thông qua các hoạt động, những sáng kiến của mình, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khu vực.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ảnh: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu về sinh học và đặc biệt trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã có nhiều đóng góp tích cực và thiết thực cho bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia và các nước trong khu vực.
Ông có uy tín và khả năng truyền cảm hứng tới cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; được công nhận là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và đã được trao tặng gần 20 Huân chương, Huy chương các loại, trong đó có 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh – Giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về khoa học công nghệ như Tập ATLAS quốc gia (năm 2005) và Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (năm 2010). Ông đã được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam (năm 2009); Bằng khen của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về thành tích xuất sắc trong hoạt động Bảo tồn Đa dạng sinh học (năm 2015)...
Với nhiều trọng trách được Nhà nước bổ nhiệm và các tổ chức xã hội giao phó như: Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam; Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam; Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; thành viên nhóm cứu vớt các loài sống sót (SSC) quốc tế, nhóm giáo dục môi trường (EEC) thuộc IUCN, nhóm bảo tồn linh trưởng IPS, thành viên Chương trình hợp tác nghiên cứu tài nguyên thực vật các nước Đông Nam Á (PROSEA)…, giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực cho bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ các loài sinh vật đặc hữu và các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Sáng kiến tổ chức Hội thảo thường niên, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn (khu vực biên giới 3 nước Đông Dương) và Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản của Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam, trong đó có sự đóng góp tích cực của Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế, góp phần hạn chế sự suy giảm về môi trường sinh thái, phục hồi nhiều loài sinh vật quý hiếm.
Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã để lại nhiều công trình khoa học có giá trị, mở rộng hợp tác quốc tế và đào tạo được nhiều cán bộ giỏi cho Việt Nam, trong đó có 154 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; 14 cuốn sách chuyên khảo về động vật, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đào tạo nhiều cử nhân, thạc sĩ.
Tại buổi Lễ chào mừng, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, người cùng cộng tác với Giáo sư Đặng Huy Huỳnh trong suốt thời gian hơn 40 năm qua cho biết: Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh là nhà khoa học lớn, là chuyên gia đầu ngành về đa dạng sinh học, về tài nguyên môi trường. Giáo sư đồng thời là người lãnh đạo có uy tín của cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia về thiên nhiên, môi trường, đóng góp quan trọng cho việc soạn thảo các chiến lược và luật pháp về bảo tồn đa dạng sinh học - một người bạn tin cậy của cộng đồng khoa học nhiều nước.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Nguyên Hồng, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Giáo sư Đặng Huy Huỳnh luôn toát ra khả năng làm việc hăng say, không ngại khó, ngại khổ. Giáo sư đã đi nghiên cứu thực địa ở nhiều địa phương, kể cả những nơi hiểm trở để tìm hiểu đặc tính của một số loài thú như bò tót, hươu, nai ở Trường Sơn cùng một số loài động vật hoang dã khác, góp phần tích cực vào việc xây dựng danh mục các loài quý hiếm hoặc bị đe dọa tuyệt chủng trong bộ sách đỏ Việt Nam...”.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh hiện đã ở tuổi 88 nhưng vẫn hăng say hoạt động khoa học. Cùng với một số cán bộ khác, Giáo sư đã đi vận động các địa phương bảo vệ những loài cây cổ thụ, cây quý hiếm.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đến nay nước ta đã có gần 3000 cây ở 52 tỉnh, thành phố trong cả nước được công nhận là Cây Di sản, một con số rất ý nghĩa trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có phần lớn công sức của Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã nỗ lực vận động trong suốt những năm qua.