Ghi nhận trên tuyến đường Nguyễn Công Trứ (phường Thành Sen), mỗi buổi sáng, hàng thịt lợn của chị N.T.H. bày bán ven đường lại tấp nập người ghé mua. Không ít khách tranh thủ dừng xe giữa dòng phương tiện đông đúc, nhanh tay lựa thịt rồi vội vã rời đi. “Tôi hay ghé mua vì thấy thịt tươi và tiện đường dù cũng không rõ có dấu kiểm dịch như trong chợ hay không”, chị L.T.Đ. (phường Thành Sen) chia sẻ.
Không chỉ tại tuyến đường này, đoạn đường Vũ Quang (phường Thành Sen) dài gần 2 km "mọc" tới 7 điểm bán thịt gia súc (thịt lợn, thịt bò) tự phát trên vỉa hè. Chủ kinh doanh thường chọn các vị trí đông người qua lại như ngã ba, ngã tư, vỉa hè những tuyến đường lớn để dựng sạp. Thịt tươi được bày lên trên những chiếc xe đẩy nhỏ, mặt bàn gỗ tróc sơn, không có bất kỳ vật dụng nào che chắn hay bảo quản. Thậm chí, có một số người còn kinh doanh tại các điểm ngay gần công trình xây dựng đang thi công.
“Trước đây tôi bán thịt lợn tại chợ nhưng 6 tháng gần đây tôi đã chuyển sang bán thịt trên vỉa hè cho tiện. Tôi chọn điểm bán nơi có nhiều khu trọ, tập trung đông dân cư nên khách cũng khá đông” - chị Nguyễn Thị L. (chủ sạp thịt lợn trong ngõ 15, đường Trần Phú, phường Thành Sen) chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực gần ngã ba Thạch Long (xã Thạch Hà), nơi mỗi buổi sáng thường xuyên xuất hiện một số điểm bán thịt lợn tự phát ngay trên lề đường. Người bán dựng tạm quầy bán thịt bằng bàn gỗ hoặc xe đẩy nhỏ, không có bất kỳ hình thức che chắn hay bảo quản nào.
Khác với các quầy hàng trong chợ hoặc siêu thị - nơi thịt được truy xuất nguồn gốc và có dấu kiểm dịch sau giết mổ, các điểm bán tự phát này chưa được cấp phép kinh doanh, rất khó kiểm soát về nguồn gốc và điều kiện an toàn thực phẩm. Thịt tươi bày bán ở đây có thể mang theo mầm bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi… mà người tiêu dùng rất khó để nhận biết bằng mắt thường.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, việc bày bán thịt trên vỉa hè, lề đường còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các tiểu thương kinh doanh hợp pháp. Bà Hà Thị Thanh - tiểu thương kinh doanh thịt tại chợ Vườn Ươm (phường Thành Sen) chia sẻ: "Lượng khách của tôi giảm hẳn từ khi các điểm bán ngoài khu vực chợ hoạt động. Trong khi tiểu thương trong chợ phải đóng thuế, đảm bảo vệ sinh, tuân thủ đủ quy định, thì người bán ngoài kia lại không bị quản lý hay ràng buộc gì".
Một phần nguyên nhân khiến thực trạng này còn tồn tại chính là thói quen tiêu dùng “tiện đâu mua đó” của người dân. Nhiều khách hàng thừa nhận có khi không yên tâm về nguồn gốc thịt nhưng vẫn "tặc lưỡi" bỏ qua mua vì thấy sản phẩm còn tươi, tiện đường hoặc đơn giản là do đã quen mua lâu nay. “Mỗi sáng đưa con đi học về, tôi thuận đường nên ghé mua luôn vì đỡ phải vòng lại chợ đông đúc. Mua quen rồi cũng ngại đổi, dù đôi lúc vẫn lo về chất lượng”, chị Trần Thị Hạnh (phường Hà Huy Tập) chia sẻ.
Ông Lê Tùng Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng (Sở NN&MT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Việc kinh doanh thịt tươi sống tại các ki-ốt, sạp hàng ven đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Gió cuốn theo bụi đường, cát sỏi và các dị vật từ phương tiện qua lại có thể bám trực tiếp vào thịt; khí thải từ xe máy, ô tô, xe tải chứa nhiều hóa chất độc hại cũng dễ dàng thẩm thấu vào sản phẩm.
Bên cạnh đó, môi trường buôn bán không đảm bảo vệ sinh là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, ký sinh trùng phát sinh và xâm nhập vào thực phẩm. Đáng lo ngại hơn, thịt tại các điểm này thường rất khó xác định nguồn gốc nếu không được giết mổ tại cơ sở tập trung có sự kiểm soát của cán bộ thú y trước và sau khi mổ. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn thịt được bày bán tại các chợ có quầy kinh doanh đảm bảo vệ sinh, các cửa hàng uy tín hoặc siêu thị, nhằm tránh nguy cơ mua phải sản phẩm không rõ xuất xứ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát để hạn chế tình trạng này”.
An toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn phụ thuộc phần lớn vào sự lựa chọn đúng đắn của người tiêu dùng. Khi thói quen "tiện đâu, mua đó" còn duy trì thì những điểm bán thịt tự phát, kém vệ sinh sẽ vẫn tồn tại.