Thiếu hụt lực lượng đăng kiểm viên sau xét xử
Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết, thời gian sắp tới, khi các phương tiện thuộc nhóm đối tượng được gia hạn đăng kiểm theo chu kỳ mới đến hạn kiểm định cùng lượng phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây thực hiện kiểm định trở lại, tình trạng ùn tắc có nguy cơ tái diễn.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm thời gian tới hiện hữu do sẽ thiếu lượng lớn đăng kiểm viên sau khi các vụ án về đăng kiểm được đưa ra xét xử.
Theo Cục ĐKVN, đơn vị này đã thống kê số lượng phương tiện đến kiểm định vào các tháng cuối năm 2023, trong năm 2024 và năng lực kiểm định trung bình tối thiểu hiện nay của các TTĐK tại từng địa phương.
Các thông tin này sẽ được cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục ĐKVN để các Sở GTVT địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới và tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền để có các giải pháp phù hợp. Đơn cử như: bổ sung dây chuyền kiểm định, đầu tư mới TTĐK; bổ sung đăng kiểm viên, khôi phục lại hoạt động của một số TTĐK trên địa bàn quản lý.
11 tỉnh, thành phố có nguy cơ ùn tắc gồm: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP. HCM và Trà Vinh.
Hiện tại, nhiều TTĐK có các đăng kiểm viên bị khởi tố (có đơn vị hầu hết các đăng kiểm viên đều đã bị khởi tố) nhưng được tại ngoại và đang tham gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 30/2023, trường hợp đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, buộc phải thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên sẽ dẫn tới thiếu hụt lực lượng đăng kiểm viên.
Chủ động nhân lực đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân
Đối với các địa phương có nguy cơ ùn tắc phương tiện đến kiểm định, Cục ĐKVN đề nghị Sở GTVT chủ động báo cáo đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có các giải pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, hạn chế tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định trong thời gian sắp tới, cùng với đó có thể chủ động liên hệ và đề nghị các Sở GTVT địa phương khác có các TTĐK dư thừa năng lực kiểm định để trưng dụng, bổ sung tạm thời lực lượng đăng kiểm viên cho các TTĐK trên địa bàn bị thiếu hụt.
Cục ĐKVN đề nghị các Sở GTVT rà soát, chủ động nguồn nhân lực tại các TTĐK trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân thời gian tới.
Ngoài ra, đối với địa phương có số lượng phương tiện đến kiểm định trong thời gian tới vượt quá năng lực kiểm định của đơn vị đăng kiểm hiện có (như Hà Giang, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh...), Cục ĐKVN đề nghị Sở GTVT tham mưu, đề xuất UBND cấp tỉnh quy hoạch, bổ sung thêm TTĐK đáp ứng các tiêu chí của TTĐK cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) cho xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đưa phương tiện đi kiểm định, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2023 và Nghị định số 139/2018.
Đề nghị các Sở GTVT địa phương yêu cầu các TTĐK trên địa bàn báo cáo cụ thể nhân sự để kịp thời có phương án đào tạo bổ sung trong trường hợp các nhân sự bị thiếu hụt (ưu tiên huy động các kỹ sư cơ khí tại các cơ sở bảo hành bảo dưỡng, đặc biệt các kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm để rút ngắn thời gian thực tập).
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ GTVT và hướng dẫn của Cục ĐKVN trong hoạt động kiểm định xe cơ giới; nghiêm cấm việc từ chối cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đối với các trường hợp có lỗi khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng đã có trong quy định (như: thay đổi lưới tản nhiệt (mặt ca lăng) cùng kích thước, biển số lắp đặt không chắc chắn...).
Thực hiện việc tổ chức cho chủ phương tiện đăng ký trực tiếp thông qua cấp phát số thứ tự, trực tuyến qua ứng dụng phần mềm và các hình thức phù hợp khác để đảm bảo công tác kiểm định phục vụ người dân được nhanh chóng, thuận lợi và khoa học; tránh tình trạng nhân viên TTĐK, “cò xe” tranh thủ tình hình ùn tắc để có hành vi tiêu cực nhằm trục lợi trong việc bố trí “xếp lốt” phương tiện để kiểm định không theo trình tự, gây mất an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt, khoa học việc bố trí, sắp xếp nhân sự (đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ), cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị, thời gian hoạt động (tăng thời gian làm việc trong ngày, bố trí làm thêm giờ ngày nghỉ, ngày lễ...) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong công tác kiểm định để phục vụ tốt nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, thông báo, tuyên truyền tới các hiệp hội vận tải ô tô, logistics, chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện trên địa bàn thực hiện một số giải pháp tránh ùn tắc và tiết kiệm thời gian như: Chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định để tránh phương tiện có kết quả kiểm định không đạt phải khắc phục sửa chữa nhiều lần tạo thêm tình trạng ùn tắc, mất thời gian công sức không đáng có của chủ phương tiện, gây ảnh hưởng đến phương tiện khác và tạo thêm áp lực cho TTĐK; Chủ động linh hoạt trong việc đăng ký đặt lịch hẹn trước qua phần mềm đặt lịch hẹn kiểm định phương tiện của Cục ĐKVN và các hình thức đăng ký trực tiếp nhằm tiết kiệm thời gian, sự vất vả cho người dân, doanh nghiệp khi đưa phương tiện đến kiểm định.
Khuyến cáo chủ phương tiện nên đưa các phương tiện sắp đến hạn, đã đến hạn hoặc quá hạn đăng kiểm (đặc biệt là các phương tiện thuộc đối tượng đã được gia hạn kiểm định theo quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT) nên lựa chọn thời điểm kiểm định sớm, phù hợp (như thời điểm hiện nay) để tránh tình trạng tập trung vào đúng thời điểm hết hạn kiểm định như dịp cuối năm để thực hiện việc kiểm định; chủ động khi trên đường về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng có thể vào bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào tiện đường để kiểm định.
Chuẩn bị trước các nội dung khác khi đi kiểm định như: Chủ động tra cứu cảnh báo phương tiện để kiểm tra tình trạng phạt nguội và chủ động xử lý trước khi tới trung tâm đăng kiểm; Chuẩn bị Giấy đăng ký xe hoặc Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng còn hiệu lực; Thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang thông tin điện tử quản lý thiết bị giám sát hành trình, camera đối với xe cơ giới thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera.