Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Từ đầu mùa nắng lại nay trời ít mưa khiến mực nước tại các hồ đập, sông suối, giếng nước... trên địa bàn Hà Tĩnh bắt đầu khô cạn. Hạn hán đang “rình rập” tại nhiều vùng dẫn đến nguy cơ người dân thiếu nước sinh hoạt.

Một số giếng làng ở huyện Thạch Hà đã cạn nước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Lo thiếu nước dân sinh

Vùng phía Bắc huyện Thạch Hà bao gồm các xã Phù Việt, Thạch Kênh, Thạch Liên, Việt Xuyên... là một trong những điểm “nóng” thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè. Người dân ở đây chưa có nước máy mà chủ yếu dùng nước giếng khoan, hứng nước mưa để phục vụ sinh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Thống Nhất, xã Phù Việt) cho biết: “Do chưa có nước máy nên gia đình tôi phải dự trữ nước từ giếng khoan và bể nước mưa nhằm phục vụ sinh hoạt. Từ đầu mùa hè đến nay, nắng nóng gay gắt kéo dài, trời ít mưa đã làm cho cả 2 bể chứa nước cạn dần. Kể cả giếng làng trong thôn cũng bắt đầu trơ đáy”.

Không chỉ vùng đồng bằng mà hàng trăm nghìn người dân ở một số xã miền núi huyện Hương Sơn, Hương Khê, vùng trà sơn Can Lộc, thượng Đức Thọ… cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước dân sinh nếu trời tiếp tục không mưa, độ ẩm không khí thấp.

Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ (Hương Sơn) Nguyễn Văn Duẩn lo ngại: Năm trước hạn hán khốc liệt, người dân các thôn Nam Sơn, Tây Sơn, Sơn Thủy, Thọ Lộc, Tuệ Sơn… phải chịu cảnh thiếu nước trầm trọng nhất. Toàn xã có hơn 1.500 hộ dân đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng đào, giếng khoan nhưng với thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay thì khoảng 30% hộ có nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Bởi nguồn nước ở đây phụ thuộc vào sông suối và nhờ trời là chính. Trước nguy cơ cao, xã cũng đã tổ chức nạo vét kênh, mương dẫn nước về qua ao hồ để bà con sinh hoạt và phục vụ cho gia súc, gia cầm.

Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hồ Đình Hoài cho biết: Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, đặc biệt, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những đợt nắng nóng, nền nhiệt độ cao (36-39oC), có lúc lên đến 40oC, độ ẩm thấp, lượng bốc hơi lớn. Theo dự báo, hạn hán có thể xẩy ra rất gay gắt trên diện rộng, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và dân sinh. Theo kinh nghiệm dân gian và xác suất biên độ nắng hạn các năm, thời gian khô hạn có thể kéo dài từ nay đến trung tuần tháng 9. Điều này sẽ làm cho khoảng 80 xã trong toàn tỉnh với gần 300.000 hộ dân “khát” nước sinh hoạt.

Người dân Phù Việt (Thạch Hà) sử dụng tiết kiệm bể nước mưa để chủ động chống hạn.

Chủ động chống hạn

Trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tác động đến đời sống của người dân, các địa phương nằm trong điểm “nóng” đã tập trung kiểm tra từng địa bàn, thôn xóm để xây dựng kế hoạch, lên phương án chống hạn cụ thể. Trước hết, tập trung tuyên truyền, cảnh báo về tình hình hạn hán để người dân sử dụng nước tiết kiệm. Đặc biệt là các công trình cấp nước tập trung có sử dụng điện phải xây dựng kế hoạch ưu tiên bơm nước phục vụ những vùng khó khăn, chia sẻ nguồn nước.

Hiện nay, người dân tại một số xã “trọng điểm” có nguy cơ cao ở Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã bắt đầu sử dụng tiết kiệm, trong đó, tắm giặt chủ yếu dùng nước từ sông suối, ao hồ, giếng làng, còn dự trữ nước mưa chỉ để phục vụ ăn, uống… Đặc biệt, nhiều hộ dân ở vùng cao huyện Hương Sơn, vùng thượng Đức Thọ... đã đầu tư cả chục triệu đồng kéo ống từ các khe suối, giếng làng… để dẫn nước về nhà sử dụng trong mùa khô hạn.

Theo Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Nguyễn Hồng Quang, các địa phương cần phải điều tiết nước hợp lý để đảm bảo nguồn nước cho các vùng có nguy cơ thiếu nước. Trong đó, tùy thuộc vào điều kiện của các xã vùng ven biển, vùng đồng bằng thuộc các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên… để xử lý nước bằng bộ xử lý lưu động (bộ Kít Aquasure) và chuyển nước từ các nhà máy giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Riêng các xã vùng trung du, miền núi, cần sửa chữa, nâng cấp các giếng đào và đầu tư khoan thêm giếng để đáp ứng nhu cầu người dân.

“Trung tâm đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước Bắc Thạch Hà; mở rộng mạng lưới Bắc Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên), Khánh Lộc (Can Lộc) để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong mùa hè năm nay. Ngoài ra, tiến hành kiểm tra, sửa chữa các hệ thống điện, máy bơm, lọc lắng, hóa chất… tại các công trình cấp nước tập trung để phục vụ ở mức tối đa và có thể cung cấp cho các đơn vị thiếu nước sinh hoạt” - ông Quang khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói