Nguyên TBT Lê Khả Phiêu về thăm huyện Hương Sơn năm 2004. Ảnh Đậu Bình
“Chính trị trọng hơn quân sự”
Là một thanh niên nông thôn sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tròn 70 năm chiến đấu dưới lá cờ của Đảng, trong đó có gần 50 năm làm lính Cụ Hồ, nguyên TBT Lê Khả Phiêu đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nói chung, những chiến sỹ quân đội nói riêng.
Từ cương vị đầu tiên là Chính trị viên trung đội của Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 cho đến sau này được Đảng, quân đội giao nhiều trọng trách khác nhau, Thượng tướng Lê Khả Phiêu luôn tâm niệm: xây dựng quân đội, trước hết là xây dựng về chính trị, coi “con người trước, súng sau”.
Ông thường nhắc nhở cấp dưới: Bác Hồ từng dạy “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Chính vì thế mà ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Bác chỉ rõ: “Tính chất, nhiệm vụ của quân đội là “chính trị trọng hơn quân sự”.
Với ông, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là giải pháp then chốt, có tính bao trùm, xuyên suốt cả quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta. Chính nhờ “đặt đúng và đặt trúng” vấn đề này đã giúp cho quân đội ta có đầy đủ tố chất về chính trị, sức mạnh quân sự chiến thắng kẻ thù mọi lúc, mọi nơi, trong bất luận tình huống nào.
Đại tá - nhà thơ, nhà báo Nguyễn Trọng Bính khi còn sống, trong một lần cùng các đồng đội cũ là lính Trung đoàn 9, Quân khu Trị Thiên - Huế, đã từng kể: Năm 1968 có thể nói là thời kỳ chiến đấu ác liệt, cam go nhất của đơn vị. Với cương vị là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, đồng chí Lê Khả Phiêu đã kiên cường lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn chiếm giữ, bám trụ thành cổ Huế suốt 25 ngày đêm, thực hiện tốt ý đồ của chỉ huy chiến dịch. Những câu thơ đầy hào sảng, ông đọc động viên các chiến sĩ trước khi vào trận đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn:
“Giờ xuất quân đã điểm, chúng ta thề
Tổ quốc kính yêu, vì Người ta xông tới
Kính thưa Bác, chúng con vào trận cuối...!”
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gia nhập quân đội từ năm 1950, khi ông mới 19 tuổi. Trưởng thành từ một binh nhì, với những chiến công xuất sắc, ông dần lên đến vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Thượng tướng. Theo VOV
Những năm giữ trọng trách là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội ta.
Cuộc đời ông là sự tiếp nối liền mạch của những cuộc chiến chống thực dân Pháp, xâm lược Mỹ, rồi lũ Khơ me đỏ tận chiến trường K xa xôi. Vì vậy, ông không quên nhắc nhở cấp dưới: “Đã là người lính cách mạng, phải xác định tim còn đập là còn cống hiến”.
Ông nói nhiều về bài học có tính xuyên suốt của đất nước ta, Đảng ta là dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam không thể tách rời. Tuyệt đối không để bất ngờ. Luôn chủ động về kế sách trong hòa bình, sẵn sàng đối phố với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch.
“Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phát biểu của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho nguyên TBT Lê Khả Phiêu.
Một vị tướng ấm áp nghĩa tình đồng đội
Đó là ý kiến của hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đã nhiều năm được sống, làm việc dưới quyền của Thượng tướng - Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Chị Lê Thị Phúc Sinh ở tổ 1, ngõ Trung Tiết, phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) khóc òa lên khi gọi điện báo cho tôi: “Thủ trưởng Phiêu mất rồi anh ơi! Em rất muốn ra Hà Nội để được tận tay thắp nén hương viếng bác”.
Chị Lê Thị Phúc Sinh cùng tác giả xem bức ảnh nguyên TBT Lê Khả Phiêu chụp cùng các chiến sỹ của mình ở Hà Tĩnh ngày 5/5/1995
Là chiến sỹ hậu cần, nhập ngũ tháng 12/1971, có 5 năm vinh dự được phục vụ Cục trưởng Cục Chính trị mặt trận B4 (Thừa Thiên - Huế) Lê Khả Phiêu, chị Sinh vô cùng cảm phục và yêu quý người thủ trưởng trực tiếp của mình. Chị nói, bác Phiêu là một vị chỉ huy rất giản dị trong mọi mặt, hết lòng thương yêu, gần gũi mọi người. Ở với bác, ai cũng thấy mình được tôn trọng, quan tâm, động viên khi gặp trắc trở, khó khăn; được bác khen ngợi, cổ vũ rất chân tình khi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi chị được cử ra Viện 43 ở Quảng Trị để học, thủ trưởng Phiêu đi công tác qua đã ghé vào thăm chị và các đồng đội cũ. Sau này, khi chị đã chuyển ngành về Bệnh viện Đông y Hà Tĩnh, hai lần về làm việc với lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng Phiêu đều ghé vào nhà riêng thăm hỏi.
Năm 1977, chị được đi cùng đoàn của bệnh viện ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ. Không hiểu sao mà bác Phiêu biết tin, cho con gái là chị Lê Thị Hồng đến chở chị về nhà riêng ở phố Lý Nam Đế, chuyện trò, ăn cơm cùng vợ chồng bác. Không chỉ thế, bác Phiêu còn cho mời cả đoàn vào phòng làm việc của mình ở Tổng cục Chính trị, tiếp đãi, chuyện trò rất thân mật.
Nói đến đây, chị Sinh mở trong bọc giấy báo của mình đưa cho tôi xem bức ảnh chị cất rất cẩn thận đã 25 năm nay. Bức ảnh đã kéo tôi về lại một kỷ niệm vô cùng xúc động, khó quên.
Ấy là vào đêm 5/5/1995, tôi đang ngồi viết bài ở khu tập thể Báo Hà Tĩnh thì nhận được tin tòa soạn có khách quý đến thăm. Tôi ra cửa, sững sờ khi người đứng trước mặt là Thượng tướng Lê Khả Phiêu, người thủ trưởng rất đỗi kính yêu của mình.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu chụp ảnh chung với các đồng đội cũ tại Hà Tĩnh
Ông cười. Vẫn nụ cười đôn hậu, bàn tay vốn dĩ xưa nay nồng ấm của anh, siết chặt đôi vai tôi. Ông bảo: Tớ vào tỉnh công tác, biết cậu ở đây nên ghé sang chơi. Thì ra, anh thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào làm việc với Hà Tĩnh.
Vừa ăn tối xong với lãnh đạo tỉnh, ông hỏi đường qua chiến sĩ bảo vệ khách sạn Giao Tế rồi một mình lặng lẽ đi bộ trong đêm tìm tôi. Hồi còn ở Tạp chí Quân đội, trực thuộc Tổng cục Chính trị, tôi có vài lần được BBT giao chấp bút viết bài cho ông. Cũng có lần ông cho đi cùng xuống kiểm tra, làm việc với mấy đơn vị thuộc quyền ở Quân khu 9.
Chưa ngồi ấm chỗ, ông bảo ngay: “Cậu làm sao tin cho Thanh, Bính, cái Sinh đến đây cho vui. Lâu ngày nên tớ nhớ chúng nó lắm. Không biết chúng có bình an, khỏe mạnh không?”. Tôi dẫn ông sang phòng làm việc của Trung tá Nguyễn Văn Thanh - Chỉ huy trưởng BCH Quân sự thị xã Hà Tĩnh. Nhờ mạng lưới thông tin nhanh nhạy của Thị đội, chỉ vài chục phút sau, mấy anh em mà anh cần gặp đều có mặt.
Cho đến hôm nay đã tròn 25 năm nhưng những gì diễn ra đầy xúc động đêm đó vẫn vẹn nguyên trong tôi. Đồng chí Lê Khả Phiêu ôm chầm từng người rồi nói: “Đây là Thanh công vụ, Bính nhà báo - nhà thơ, Sinh quân y...”. Ông bế cháu Quỳnh, con gái thứ 3 của anh Thanh vào lòng, ân cần thăm hỏi gia cảnh của từng người.
Ông dặn dò: “Hà Tĩnh mới tách tỉnh, còn nhiều khó khăn. Là những đảng viên, cựu chiến binh có công trong chiến tranh, nay các đồng chí phải gương mẫu, đi đầu, đóng góp trí tuệ của mình cho quê hương, đất nước”.
Hôm nay trong những ngày cả nước đại tang, ngắm nhìn lại bức ảnh quý giá mà anh Đinh Nho Liêm chụp tặng chúng tôi, hình ảnh vị tướng tài, người lãnh tụ mẫu mực với chiếc áo Bơ-lu-dông quân đội bình dị và những cử chỉ ân cần, ấm áp tình người của ông hôm ấy đã theo tôi trọn đời, không thể nào quên được.