Nhà nghiên cứu văn học người Hà Tĩnh tại Pháp và tâm nguyện với Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Truyện Kiều từ lâu đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Và ở Paris, có một nhà nghiên cứu văn học người Hà Tĩnh vẫn luôn đau đáu với việc tìm kiếm, tập hợp các bản dịch Truyện Kiều.

Nhà nghiên cứu văn học người Hà Tĩnh tại Pháp và tâm nguyện với Truyện Kiều

Chị Sông Hương cùng với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Unesco Trần Thị Hoàng Mai tại Khai mạc Triển lãm các bản dịch Truyện Kiều tại Paris ngày 12/09/2020.

Tôi tình cờ biết chị Nguyễn Thị Sông Hương trong một lần chị về Nghi Xuân và tặng một số bản dịch Truyện Kiều cho Khu lưu niệm Nguyễn Du. Lần tặng sách đó cũng chính là cơ duyên bắt đầu niềm đam mê mới của chị - sưu tầm các bản dịch Truyện Kiều trên thế giới.

Chị Nguyễn Thị Sông Hương, quê ở xã Thạch Đài (Thạch Hà). Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm I Hà Nội năm 1996, chị tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sỹ Văn học tại Đại học KHXH&NV Hà Nội năm 2000 và thạc sỹ chuyên nghiệp ngành Truyền thông, công nghệ tri thức và quản lý thông tin ở Đại học Sorbonne Panthéon (Pháp) năm 2009. Hiện nay, chị công tác tại Nhà xuất bản của Trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội - Paris.

Vốn là một người yêu văn chương, từ nhỏ, chị Sông Hương đã đặc biệt yêu thích Truyện Kiều. Truyện Kiều thấm vào tâm hồn chị từ lời ru của bà, của mẹ, từ những vở diễn trò Kiều, dân ca ví, giặm về Kiều trên các sân khấu quần chúng.

Khi sang Pháp, chị vẫn thường xuyên dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu về những giá trị của Truyện Kiều trong đời sống hôm nay; luôn mong muốn giới thiệu với bạn bè về Đại thi hào Nguyễn Du và nhân rộng tình yêu Truyện Kiều ở Pháp.

Nhà nghiên cứu văn học người Hà Tĩnh tại Pháp và tâm nguyện với Truyện Kiều

Chị Sông Hương (thứ 3 từ trái sang) tặng các bản dịch cho BQL Khu lưu niệm Nguyễn Du năm 2018

“Lúc bấy giờ, tôi cũng chưa có dự định gì rõ ràng. Năm 2017, tôi tình cờ mua được một số bản dịch Truyện Kiều và trong chuyến về nước sau đó tôi đã tặng cho Khu lưu niệm Nguyễn Du. Lãnh đạo Ban Quản lý Khu lưu niệm rất vui và trân trọng những cuốn sách đó.

Tôi chợt nghĩ, Truyện Kiều được dịch bằng rất nhiều thứ tiếng trên thế giới nhưng rất nhiều bản vẫn chưa được biết đến ở Việt Nam cũng như ở các nước. Trong khoảnh khắc đó, tôi quyết định sẽ bắt đầu một hành trình mới - hành trình tìm kiếm các bản dịch Truyện Kiều trên khắp thế giới” - chị Sông Hương chia sẻ.

Việc tìm kiếm rất khó khăn và mất nhiều thời gian vì hầu hết các bản dịch đều đã lâu, rất hiếm và nằm rải rác ở nhiều nước. Có nhiều bản dịch chỉ biết tên nước mà không có bất cứ một thông tin nào về dịch giả cũng như tên bản dịch và nhà xuất bản hoặc chưa biết đã có bản dịch ngôn ngữ đó hay chưa, phải tự dò bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và tìm thông tin trong các bài nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu văn học người Hà Tĩnh tại Pháp và tâm nguyện với Truyện Kiều

Một góc bộ sưu tập các bản dịch Truyện Kiều của chị Sông Hương tại Pháp.

Nhiều hiệu sách cũ hay người bán chỉ đồng ý gửi nội địa nên chị phải tìm người quen ở nước đó giúp đỡ. Một số cuốn phải nhờ bạn mang về Việt Nam rồi từ Việt Nam lại nhờ người khác mang qua Paris. Biết được tâm nguyện của chị, người thân của chị ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã rất nhiệt tình chia sẻ và giúp đỡ.

Chị Sông Hương tâm sự: “Năm 2020, kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào nên tôi mong muốn tổ chức buổi triển lãm về các bản dịch Truyện Kiều tại Pháp. Tôi cũng muốn công bố danh sách các bản dịch Truyện Kiều cho giới nghiên cứu nên gấp rút việc hoàn chỉnh bộ sưu tầm các bản dịch Truyện Kiều.

Có một người bạn là kỹ sư đam mê Truyện Kiều ở Hà Nội đã giúp đỡ rất nhiều trong việc tìm kiếm. Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng ở Nga cũng tặng tôi bản dịch bằng tiếng Mông Cổ của thầy và còn tìm giúp tôi nhiều cuốn khác. Một người bạn ở Việt Nam tìm mua sách từ Hàn Quốc gửi tặng.

Tất cả những người tặng sách cho tôi đều nói cuốn sách đến với tôi sẽ có nhiều ý nghĩa hơn là ở chỗ của họ. Việc tập hợp được đầy đủ các bản dịch là công sức và đóng góp chung của rất nhiều người. Tôi rất biết ơn họ vì điều đó. Đó là động lực để tôi cố gắng giới thiệu và khai thác các giá trị từ các bản dịch ấy”.

Nhà nghiên cứu văn học người Hà Tĩnh tại Pháp và tâm nguyện với Truyện Kiều

Chị Sông Hương chia sẻ các giá trị của Truyện Kiều với con gái.

Trong hơn 70 bản dịch đầy đủ và hơn 10 bản trích dịch mà chị tìm thấy, bản dịch bằng tiếng Hy Lạp là cuốn chị phải tìm lâu nhất và chỉ có 1 bản duy nhất. Sau nhiều lần tìm kiếm, chị may mắn thấy một người giới thiệu cuốn sách này trên blog. Qua nhắn tin trò chuyện, biết được tình yêu Truyện Kiều và mục đích tổ chức triển lãm của chị, họ đã không bán mà gửi sách đến Paris tặng chị.

Tình cảm của bạn bè thế giới đối với Nguyễn Du, với Truyện Kiều đã thôi thúc chị thực hiện nhiều ý tưởng hơn trong quá trình nghiên cứu văn học của mình. Chị đang thực hiện đề tài nghiên cứu về việc tiếp nhận Nguyễn Du và Truyện Kiều trên thế giới.

Cùng với việc tổ chức triển lãm các bản dịch Truyện Kiều tại hiệu sách Sudestasie ở quận 5 Paris từ 12 - 20/9, chị Sông Hương còn tìm các dịch giả trên thế giới để phỏng vấn họ. Những bài viết đó cũng sẽ được đăng tải trên các báo, tạp chí ở Việt Nam.

Chị Sông Hương cũng cho hay, bộ sách của chị, trước mắt phục vụ cho công tác nghiên cứu, sau này sẽ tặng các bảo tàng, thư viện hay Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Việt Nam.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Những cuộc gặp mặt, kết nối sinh viên, thanh niên, doanh nhân quê Hà Tĩnh ở 3 miền đất nước không chỉ nối vòng tay thấm đượm nghĩa tình quê hương mà còn lan tỏa giá trị văn hóa, con người mảnh đất núi Hồng, sông La.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.