Nhà văn hóa cộng đồng trong đời sống người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hơn 170 mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” được xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy giá trị, công năng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”, năm 2021, Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ trên địa bàn bằng nguồn lực xã hội hóa.

bqbht_br_12.jpg
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ đã được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, sau xây dựng, các công trình này không được sử dụng thường xuyên, chưa phát huy được hết công năng, chủ yếu dùng để hội họp, tránh trú khi có thiên tai. Trước thực trạng đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã nghiên cứu triển khai mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” với mong muốn đưa hoạt động tại các nhà văn hóa cộng đồng vào khuôn khổ, nền nếp.

Đồng thời, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có, tập trung vận động các nguồn lực xã hội hóa để bước đầu hướng tới xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa ý nghĩa cho người dân. Chủ trương đó đã nhận được sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của các cấp, ngành; sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân.

bqbht_br_1.jpg
Người dân xã Cẩm Thành tích cực đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng mô hình "Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ" nhằm phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần.

Nằm ở hạ du hồ Kẻ Gỗ, thường xuyên bị ngập lụt khi mưa bão nên xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) đã được tỉnh đầu tư 18 tỷ đồng xây dựng 9 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ tại 9 thôn trên địa bàn. Sau khi có chủ trương xây dựng mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ”, cấp ủy, chính quyền và MTTQ các thôn đã vận động, huy động sự đóng góp của người dân để củng cố, nâng cấp công năng của các công trình này.

Hội thi gói bánh chưng của xã Cẩm Thành được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Nam Bắc Thành thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia tranh tài.

Hội thi gói bánh chưng của xã Cẩm Thành được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Nam Bắc Thành thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia tranh tài.

Ông Mai Văn Ninh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Thành cho biết: “Hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công đã được người dân địa phương và con em xa quê đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tại nhà văn hóa như: dụng cụ thể dục thể thao, sách vở, TV, máy tính, loa đài, hệ thống camera, mạng internet… Nhờ đó, những năm gần đây, các nhà văn hóa cộng đồng đã trở thành địa điểm được người dân lựa chọn thường xuyên cho các hoạt động văn nghệ, thể thao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, gắn kết cộng đồng dân cư”.

bqbht_br_3.jpg
Khuôn viên nhà văn hóa được đầu tư trang thiết bị, trở thành nơi vui chơi của người dân mọi lứa tuổi.

Là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương của huyện Hương Sơn đã xây dựng và phát huy khá tốt công năng của mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” trong phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Hơn 40 công trình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” được xây dựng tại các cộng đồng dân cư từ năm 2022 đến nay đã chứng kiến nhiều hoạt động văn hóa với quy mô lớn, mang ý nghĩa thiết thực như: các hội thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của các danh nhân, về truyền thống quê hương; hoạt động giao lưu với lãnh đạo và chuyên gia nước ngoài…

bqbht_br_5.jpg
Thư viện và các câu lạc bộ Tiếng Anh, Tin học, kỹ năng sống... được tổ chức tại "Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ" giúp trẻ em Hương Sơn có thêm điều kiện vui chơi, học tập.

Ban chủ nhiệm các mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” cũng đã thành lập hàng chục câu lạc bộ Tiếng Anh, Tin học, kỹ năng sống, văn nghệ, thể thao, thu hút hàng nghìn người dân ở các độ tuổi tham gia thể hiện tài năng, đam mê.

Đặc biệt, nhiều mô hình đã xây dựng được thư viện sách; không gian lưu giữ, trưng bày các hiện vật mang đậm nét văn hóa truyền thống, lịch sử của địa phương, góp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian.

bqbht_br_4.jpg
Không gian trưng bày các hiện vật văn hóa truyền thống của địa phương tại nhà văn hóa cộng đồng thôn Hồng Thuỷ - xã Kim Hoa (Hương Sơn).

Bà Võ Thị Đường - người dân thôn Trung Bằng (xã Sơn Bằng) chia sẻ: “Trước đây, nhà văn hóa thôn thường xuyên đóng cửa, chỉ phục vụ những cuộc hội họp, những sự kiện lớn, giờ đây, đã trở thành địa điểm quen thuộc, gần gũi với người dân. Hằng ngày, người già, trẻ nhỏ đều đến đây để vui chơi, trò chuyện tâm tình. Được trực tiếp thụ hưởng giá trị, công năng của nhà văn hóa nên ai cũng có ý thức đóng góp công sức, tiền của và giữ gìn tài sản, vệ sinh chung”.

bqbht_br_7.jpg
Khuôn viên nhà văn hóa là nơi người dân phường Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh) gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sự gắn kết.

Tại các đô thị, nhà văn hóa cộng đồng cũng phát huy được giá trị sử dụng, trở thành một điểm nhấn về văn hóa ở mỗi cộng đồng dân cư; góp phần quan trọng để xây dựng nếp sống văn hóa, đô thị văn minh.

Cuối mỗi buổi chiều, khuôn viên nhà văn hóa tổ dân phố (TDP) 2 phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) lại rộn ràng tiếng nhạc, tiếng hát của các câu lạc bộ dân vũ, thể thao; ríu rít tiếng nói cười của những em nhỏ.

Với khuôn viên rộng 2.760m2 xanh, sạch, đẹp, nhà đa năng được trang bị đầy đủ hạng mục sân bóng chuyền, thảm, lưới, hệ thống camera hàng chục mắt. Từ nhiều năm nay, nhà văn hóa đã trở thành không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần, giao lưu gắn kết tình cảm của người dân TDP 2.

bqbht_br_9.jpg
Nhà văn hóa TDP 2 - phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) được đầu tư khang trang, góp phần xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu.

Ông Hoàng Văn Hòa - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận TDP 2 cho biết: “Nhà văn hóa được đầu tư xây dựng và phục vụ hiệu quả nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân đã góp phần đưa TDP 2 thành TDP đầu tiên của thành phố Hà Tĩnh hoàn thành việc xây dựng TDP kiểu mẫu “3 trong 1”, bao gồm: TDP văn minh kiểu mẫu, nhà văn hóa kiểu mẫu và chính quyền điện tử kiểu mẫu”.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ năm 2021 đến nay, đã có 173 mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” được xây dựng và đưa vào hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Với hơn 7 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, 22 tỷ đồng nguồn xã hội hóa và hơn 50.000 đầu sách các loại, các mô hình này đã được đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị. Mô hình đã góp phần quan trọng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân; gắn với thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn, làm đẹp thêm diện mạo của mỗi khu dân cư.

Mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” là một sáng kiến của MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương lựa chọn là mô hình tiêu biểu toàn quốc trong xây dựng nông thôn mới năm 2023. Mô hình đã giúp phát huy tốt công năng của các công trình nhà văn hóa cộng đồng; góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, tăng cường tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tiếp tục chủ trì vận động nguồn lực để xây dựng và đưa vào sử dụng thêm nhiều mô hình tại các địa phương, góp phần thực hiện một trong những chương trình hành động quan trọng của nhiệm kỳ này là “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.

Ông Thái Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.