Nhận diện bẫy lừa đảo chiếm đoạt từ tài khoản ngân hàng

(Baohatinh.vn) - Tình hình tội phạm công nghệ cao trên lĩnh vực ngân hàng ở Hà Tĩnh đang có chiều hướng phức tạp, trở thành thách thức lớn cho các nhà băng và ngành chức năng.

Mới đây, một người phụ nữ trú ở TP Hà Tĩnh bị kẻ gian đột nhập tài khoản ngân hàng, lấy cắp hơn 800 triệu đồng đã khiến dư luận xôn xao. Điều đáng ngại là, không chỉ số tiền trong tài khoản thanh toán mà đối tượng lừa đảo còn rút được tài khoản tiết kiệm (ở 2 ngân hàng) và 1 tài khoản thấu chi trên tài khoản ngân hàng. Đây là một trong những vụ việc điển hình về tội phạm công nghệ cao trên nền tảng thanh toán số tại Hà Tĩnh hiện nay.

Theo tìm hiểu, đối tượng vẫn sử dụng chiêu thức quen thuộc, giả danh là cán bộ công an phường đề nghị công dân thực hiện đồng bộ hóa thông tin vào căn cước công dân, theo đó dẫn dụ người bị hại liên lạc với số điện thoại lạ. Từ đây, người phụ nữ đã truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp và mất toàn bộ số tiền nói trên.

bqbht_br_100-6027.jpg
Thời điểm các ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc học cũng là lúc kẻ gian lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo để “móc túi” khách hàng.

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Các chiêu thức phổ biến như: "hack" tài khoản ngân hàng, lập tài khoản giả, mạo danh người nhà nhờ chuyển tiền và để chiếm đoạt tiền; giả danh cán bộ cơ quan pháp luật yêu cầu khách hàng làm theo hướng dẫn… Dù thủ đoạn không mới nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi và ngày càng tinh vi nhằm thao túng tâm lý và “bẫy” những người dân nhẹ dạ cả tin.

093.jpg
Hoạt động giao dịch tại SeABank Hà Tĩnh.

Ông Trần Tự Đức - Giám đốc SeABank Hà Tĩnh cho biết: "Các đối tượng lừa đảo dẫn dắt người bị hại theo “kịch bản” mà đối tượng soạn sẵn, khi khách hàng truy cập vào các ứng dụng phần mềm có mã độc thì bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng; mất quyền kiểm soát trên thiết bị điện tử (điện thoại di động - PV). Trên thực tế đã có khách hàng của SeAbank Hà Tĩnh “mắc bẫy” đối tượng lừa đảo và bị thiệt hại về tài chính. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập vào đường link lạ và đến trực tiếp tại trụ sở SeABank để thực hiện các giao dịch".

Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, thời điểm một số chính sách, luật mới được sửa đổi, thay thế, thi hành thì các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Mới nhất, thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ 1/7/2024, các ngân hàng triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến. Đây được xem là một trong những "tấm lá chắn" bảo mật nhằm bảo vệ tài sản của khách hàng và giải pháp đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, chính sách mới cũng là "mảnh đất màu mỡ" để đối tượng lừa đảo “tung chiêu" lừa đảo khách hàng.

Bà Hoàng Thị Ngọc Thảo – Phó Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng (Vietcombank Hà Tĩnh) thông tin, hiện nay, chi nhánh đang phục vụ trên 210.000 khách hàng có tài khoản. Trong giai đoạn đầu triển khai, lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin, mời khách hàng kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Ngoài ra, đối tượng lập nick gây nhầm lẫn như: "Nhân viên Ngân hàng", "Hỗ trợ khách hàng"... và trà trộn tương tác dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng nhằm dẫn dụ và lừa đảo.

055.jpg
Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học tất cả các ngày trong tuần.

“Vietcombank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như: gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook…). Do đó, quý khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Đồng thời, khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng. Quá trình xác thực sinh trắc học, khách hàng làm theo hướng dẫn trên ứng dụng VCB Digibank hoặc đến trực tiếp trụ sở ngân hàng để được nhân viên hướng dẫn” - bà Hoàng Thị Ngọc Thảo khuyến cáo.

Cuộc chiến đảm bảo an ninh ngân hàng trong thời đại số đang thực sự cam go và nhiều thử thách. Để đảm bảo công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng có thẩm quyền; sự phối hợp các ngân hàng, người dân để tố giác, nhận diện sớm các hành vi nhằm đẩy lùi vấn nạn "tội phạm mạng" đang có dấu hiệu phức tạp hiện nay.

Theo phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Tĩnh), mỗi người dân cần phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng xã hội và luôn đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm. Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi lạ, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý...

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đại học Huế

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Đại học Huế

Ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ trong thời gian ông Phương làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.