Nhiều người mắc COVID-19 không triệu chứng trong cộng đồng

Các quan chức y tế từ lâu đã tự hỏi có bao nhiêu người nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng. Những người không cảm thấy bệnh hiếm khi đi xét nghiệm, nên các chuyên gia chỉ có thể ước tính số trường hợp không có triệu chứng.

Ảnh minh họa

Lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng mang virus muôn nơi

Nghiên cứu mới - được công bố trên tạp chí chuyên ngành JAMA Network Open hôm 14/12 - cho thấy, có hơn 40% những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 không có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 95 nghiên cứu từ tháng 1/2020 - tháng 2/2021 bao gồm gần 30 triệu người ở Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Phi. Kết quả, hơn 60% các trường hợp COVID-19 được xác nhận ở những người dưới 20 tuổi là không có triệu chứng; gần 50% ở những người từ 20 đến 39 tuổi; khoảng 32% ở những người từ 40 đến 59 và khoảng 33% ở những người trên 60 tuổi.

Tiến sĩ Alan Wells – Giám đốc Y tế của Phòng thí nghiệm lâm sàng UPMC và giáo sư bệnh học tại Trường Y Đại học Pittsburgh (Mỹ), người không liên kết với nghiên cứu trên nhận định: “Đó là những gì chúng ta thấy ở rất nhiều loại virus đường hô hấp”.

Nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng số trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng cao nhất xảy ra ở nhân viên viện dưỡng lão, khách du lịch bằng máy bay hoặc tàu biển và phụ nữ mang thai. Điều đó không có nghĩa là những quần thể đó dễ bị mắc bệnh không có triệu chứng hơn, mà chỉ là họ có nhiều khả năng được xét nghiệm hơn.

Các nhân viên viện dưỡng lão phải trải qua các cuộc kiểm tra thường xuyên trong suốt đại dịch, máy bay quốc tế và tàu du lịch yêu cầu xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay và phụ nữ mang thai được kiểm tra theo lịch hẹn của bác sĩ.

“Nếu chúng ta có một chương trình thử nghiệm toàn diện hơn, lấy mẫu tất cả mọi người theo cách không thiên vị, chúng ta sẽ thu thập được nhiều hơn các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng” – giáo sư Wells khẳng định.

Trong khi 40% trường hợp nhiễm COVID-19 nói chung không có triệu chứng thì con số này cũng chỉ đại diện cho 0,25% dân số được xét nghiệm. Nhưng các chuyên gia sức khỏe nói rằng nó vẫn là một thực trạng đáng lo ngại. Đây cũng có thể là một đánh giá thấp vì xét nghiệm không được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia trong khung thời gian của nghiên cứu.

Nhà miễn dịch học về bệnh truyền nhiễm Mark Cameron tại Trường Y Đại học Case Western Reserve (Mỹ) cho biết: “Một phần tư dân số được xét nghiệm nhiễm bệnh không có triệu chứng, đó không phải là một con số quá lớn. Tuy nhiên, khi bạn nhân số đó với hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, thì đó là một lượng đáng kể người truyền virus đi muôn nơi”.

Mắc COVID-19 không triệu chứng có nguy cơ tái nhiễm bệnh nặng

Tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng trong số các trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 cũng đáng lo ngại vì các nghiên cứu trước đây cho thấy những người như vậy có thể không được bảo vệ chống lại sự tái nhiễm so với những người có các triệu chứng bệnh vừa phải.

Sở Y tế Công cộng Kentucky và một sở y tế địa phương tại Mỹ đã điều tra hai đợt bùng phát dịch bệnh tại một cơ sở điều dưỡng: một đợt bùng phát vào tháng 7/2020 và đợt thứ hai vào tháng 10/2020. Kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện có 5 người, trong đó 3 người nhiễm bệnh không có triệu chứng và 2 người nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ trong đợt bùng phát đầu tiên, bị nhiễm bệnh nặng hơn trong đợt bùng phát thứ hai - theo nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2021 bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.

“Các nhà nghiên cứu đang xem xét vấn đề này nhưng dữ liệu củng cố một giả thuyết rằng bệnh càng nặng thì mức độ kháng thể trung hòa và khả năng miễn dịch lâu dài của cơ thể càng cao. Còn nhiễm trùng nhẹ và không có triệu chứng dẫn đến phản ứng miễn dịch kém mạnh mẽ hơn” – ông Cameron cho biết.

Các chuyên gia y tế cho biết hiện nay, còn nhiều trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng hơn so với thời điểm nghiên cứu được tiến hành, bởi các biến thể có khả năng lây truyền cao như Delta và Omicron.

Giáo sư Wells cho biết, vaccine ngừa COVID-19 cũng có thể góp phần làm tăng tỷ lệ người nhiễm bệnh không có triệu chứng vì vaccine cực kỳ hiệu quả trong việc chống lại bệnh nặng và làm tắt các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đột phát.

Tiến sĩ Shiv Pillai, nhà miễn dịch học và giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết cách bảo vệ tốt nhất chống lại COVID-19 vẫn là tiêm vaccine và uống thuốc kháng virus.

Theo SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói