Sau khi phát hiện ca dương tính là giáo viên, để thực hiện phương châm dừng đến trường không dừng việc học, Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) đã chuyển trạng thái dạy học trực tuyến từ sáng ngày 8/11.
Thời gian cách ly tại trường, thầy Nguyễn Văn Nguyệt - Trường THPT Kỳ Anh tranh thủ chuẩn bị giáo án cho những giờ dạy trực tuyến.
Thầy Nguyễn Văn Nguyệt - giáo viên Trường THPT Kỳ Anh cho biết: “Trước đó, chúng tôi đã thông báo cho toàn thể học sinh chuẩn bị bài vở, đồng thời động viên, nhắc nhở các em yên tâm học tập, giữ gìn sức khỏe và thực hiện tốt quy định 5K. Các thầy cô giáo cũng đã sẵn sàng trang thiết bị, giáo án, cố gắng đảm bảo chất lượng trong từng giờ dạy”.
Từ thông báo của nhà trường, sự động viên của các thầy cô, học sinh Trường THPT Kỳ Anh đã ổn định tâm lý, sẵn sàng thích ứng với việc chuyển trạng thái học tập.
“Không đến trường, nhưng việc học vẫn được duy trì khiến chúng em yên tâm hơn. Em đã sẵn sàng phương tiện học tập, ôn bài đầy đủ để chuẩn bị cho những giờ học trực tuyến sắp tới”, em Trần Thị Yến - lớp 12A3, Trường THPT Kỳ Anh cho hay.
Em Trần Thị Yến - lớp 12A3, Trường THPT Kỳ Anh kết nối mạng với cô giáo để kiểm tra đường truyền.
Tại thành phố Hà Tĩnh, để thích ứng với diễn biến dịch bệnh, việc chuyển trạng thái dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến cũng đã được áp dụng cho các Trường THCS, THPT trên địa bàn. Các trường tiểu học, một số ít triển khai học trực tuyến và trường mầm non tạm thời nghỉ học
Cô Đoàn Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Lâu nay, chúng tôi vẫn duy trì song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến nên giáo viên, học sinh thích ứng nhanh với việc chuyển trang thái học tập. Trừ những giáo viên liên quan đến các ca bệnh vừa thực hiện cách ly tại nhà vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các thầy cô khác vẫn đến trường thực hiện dạy trực tuyến theo thời khóa biểu”.
Từ ngày 7/11, giáo viên Trường THCS Đồng Tiến (Thạch Hà) cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị để dạy học trực tuyến vào đầu tuần học mới.
Tại xã Tùng Lộc (Can Lộc), để đảm bảo an toàn cho học sinh, huyện đã quyết định cho trường mầm non tạm thời nghỉ học, các trường tiểu học, THCS chuyển trạng thái dạy học trực tuyến.
“Vẫn biết việc dạy học trực tuyến đối với bậc tiểu học rất khó, tuy nhiên để tranh thủ thời gian đồng thời duy trì nền nếp học tập, chúng tôi vẫn quyết định triển khai dạy học trực tuyến. Qua khảo sát cho thấy, khoảng 85% học sinh có thiết bị để học tập, số còn lại chúng tôi sẽ giao bài tập, khuyến khích các em luyện đọc, luyện viết tại nhà. Trường cũng đã bố trí lịch học trực tuyến lớp 2,3,4,5 học buổi chiều, lớp 1 học buổi tối để có sự hỗ trợ của phụ huynh”, cô Trần Thị Thanh Tịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Tông Mục, xã Tùng Lộc thông tin.
Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) đã sớm chuyển trạng thái dạy học trực tuyến từ ngày 6/11, sau khi phát sinh các ca bệnh trong cộng đồng trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 60 trường với tổng số hơn 41.000 học sinh bậc tiểu học, THCS, THPT chuyển trạng thái dạy học trực tuyến. Đây là những trường học nằm ở địa bàn liên quan đến các ca bệnh xảy ra trong cộng đồng được phát hiện trong những ngày gần đây gồm: TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Can Lộc.
Riêng huyện Thạch Hà, là địa bàn giáp TP Hà Tĩnh, có các yếu tố liên quan đến một số ca bệnh nên cũng đã quyết định chuyển trạng thái cho học sinh THCS học trực tuyến để đảm bảo an toàn; bậc tiểu học, mầm non tạm thời nghỉ học.
Việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức của giáo viên, học sinh qua hình thức trực tuyến sẽ khó khăn hơn bởi nhiều yếu tố như: đường truyền, kỹ thuật, sự tương tác… Tuy nhiên, các giáo viên học sinh vùng dịch ở Hà Tĩnh đang quyết tâm thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh, quyết tâm không để gián đoạn việc dạy, học.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, việc chuyển trạng thái dạy học được các địa phương chủ động triển khai. Chương trình giảng dạy được các trường thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp theo các phương án mà Sở GD&ĐT xây dựng ngay từ đầu năm học.