Sau khoảng thời gian cách ly tại nhà, đến nay, Nguyễn Thị Thu Hà - lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) đã trở lại trường. Nỗi lo thiếu hụt kiến thức trong năm học cuối cấp của em đã được thầy cô giáo và các bạn trong lớp hỗ trợ.
Ngay khi trở lại trường, Nguyễn Thị Thu Hà - lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn đã được các giáo viên bộ môn quan tâm, hỗ trợ kiến thức.
“Trong thời gian “mắc kẹt” bởi dịch bệnh, em cũng tham gia học trực tuyến với lớp và đăng ký theo học ở trường sở tại, nhưng do chưa quen trường lớp, bạn bè, phần vì tâm lý thấp thỏm mong sớm trở về quê nên việc học chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trở lại trường hơn 1 tuần nay, em rất vui khi được tiếp tục việc học, được các thầy cô giáo bộ môn dành thêm thời gian hướng dẫn, giao thêm bài tập cho em. Những phần chưa hiểu cũng được các bạn trong lớp hỗ trợ”, Thu Hà chia sẻ.
Vừa qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn có 13 học sinh bị “mắc kẹt” tại các tỉnh, thành do dịch bệnh COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, 13 em được đón về quê, trong đó có 7 học sinh đã đi học trở lại.
Thầy Hoàng Quốc Quyết - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết: “Để đảm bảo chương trình, kiến thức cơ bản cho học sinh, chúng tôi đã giao Chi đoàn giáo viên thực hiện việc hỗ trợ kiến thức cho các em. Theo đó, các thầy cô giáo đăng ký dạy tự nguyện cho học sinh theo khối lớp, việc dạy học tập trung vào các môn thi tốt nghiệp.
Với những học sinh đang thực hiện cách ly, trường đã giao giáo viên chủ nhiệm và các lớp chủ động liên lạc, hỏi thăm tình hình, giao bài tập cho các em qua các nhóm lớp, đường link, động viên các em tự học và tiếp cận thêm kiến thức qua kênh dạy học trên truyền hình. Việc kiểm tra, khảo sát giữa kỳ đối với học sinh trở về từ vùng dịch cũng được lùi lại để các em có thêm thời gian ôn tập, bổ sung kiến thức”.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn trở về từ vùng dịch được hỗ trợ kiến thức theo nhóm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và sự hỗ trợ của bạn bè.
Tại Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà), đến thời điểm hiện tại đã có 25/35 học sinh bị “mắc kẹt” tại các tỉnh, thành trở về quê, trong đó 15 học sinh đã trở lại trường, số còn lại đang thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định.
Triển khai chủ trương của Ban Giám hiệu, một số giáo viên của trường đã dạy học trực tiếp cho học sinh ở lớp và kết nối mạng để dạy học trực tuyến cho các em đang cách ly. Nhiều giáo viên giao bài tập cho các em qua các nhóm zalo, facebook.
Thầy Phan Văn Thủy - chủ nhiệm lớp 7E, Trường THCS Thụ Hậu duy trì hình thức dạy trực tuyến cho 2 học sinh chưa thể trở lại trường.
Thầy Phan Văn Thủy - chủ nhiệm lớp 7E, Trường THCS Thụ Hậu cho hay: “Lớp của tôi vẫn còn 1 học sinh trong thời gian cách ly tại nhà và 1 học sinh đang bị “mắc kẹt”. Để giúp các em duy trì việc học, ngoài dạy trực tuyến, tôi thường xuyên gọi điện hướng dẫn các em tự nghiên cứu bài học theo chương trình của lớp, gửi bài tập và tranh thủ những giờ trống để duy trì dạy trực tuyến, bổ sung, hướng dẫn thêm kiến thức cho các em”.
Với những học sinh đã trở lại trường, việc bổ trợ kiến thức được bắt đầu ngay trong từng giờ học. “Gần 1 tuần đi học trở lại, em luôn được các thầy cô giáo quan tâm, động viên, thường xuyên hỏi bài, giảng, giao thêm nhiều bài tập. Thầy hiệu trưởng cũng đã đến tận lớp hỏi thăm, động viên chúng em và thông báo sắp tới trường sẽ tổ chức mỗi khối 1 lớp học để bổ sung kiến thức cho học sinh trở về từ vùng dịch”, em Hồ Thị Mỹ Duyên - lớp 9C, Trường THCS Thụ Hậu cho biết.
Em Hồ Thị Mỹ Duyên và Hoàng Lê Đại - lớp 9C, Trường THCS Thụ Hậu đang từng bước được bổ sung kiến thức sau gần 1 tuần trở lại trường học.
Được biết, trong hơn 1.600 học sinh Hà Tĩnh trở về quê từ các tỉnh, thành có hơn 1.000 học sinh đã trở lại trường. Hiện tại, vẫn còn một số ít học sinh đang “mắc kẹt” tại các tỉnh, thành.
Ông Trần Hậu Tú - Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: “Học sinh về rải rác theo từng đợt nên việc tập trung các em thành một lớp theo khối để bổ sung kiến thức cho các em ở nhiều trường vẫn chưa thể thực hiện. Theo chỉ đạo của ngành GD&ĐT, để việc học của các em không bị gián đoạn, các trường đã linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học để tất cả học sinh đều được duy trì nền nếp, ý thức học tập và tiếp cận kiến thức bài học”.