Nhiều trường nghề ở Hà Tĩnh gặp khó trong tuyển sinh

(Baohatinh.vn) - Dù áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao, nhưng hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn khó tuyển sinh.

Năm học 2024 – 2025, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hơn 2.500 học sinh, sinh viên và học viên với 18 ngành nghề. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng 650 chỉ tiêu, trình độ trung cấp 940 chỉ tiêu, còn lại là chỉ tiêu trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng.

dt-d29ff004a086-6835.jpg
Năm học 2024 - 2025, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hơn 2.500 học sinh, sinh viên và học viên với 18 ngành nghề.

Ngay từ đầu năm, nhà trường đã có kế hoạch giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng trình độ, ngành nghề đào tạo. Các cơ chế khuyến khích cho công tác tuyển sinh được triển khai linh hoạt. Đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin với đơn vị, địa phương, các trường THPT trên địa bàn nhằm tư vấn, thông tin về học nghề, giới thiệu các chế độ, chính sách ưu đãi khi học tại trường; tư vấn nghề cho phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, nhà trường còn đẩy mạnh công tác truyền thông tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên học nghề; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện học tập, sinh hoạt và cam kết giải quyết việc làm cho tất cả học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2024, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh mới tuyển sinh được 1.050 chỉ tiêu. Trong đó, trình độ cao đẳng 150 sinh viên, còn lại 900 chỉ tiêu là trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

dt-truong-vd-3967.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh thực hành trên máy phay.

Tiến sỹ Cao Thành Lê – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh cho biết: “Khó khăn trong tuyển sinh năm nay của nhà trường cũng là tình trạng chung của các trường nghề trên địa bàn tỉnh”.

Lý giải về tình trạng khó tuyển sinh, Tiến sỹ Cao Thành Lê cho rằng: nguyên nhân chính là phần lớn phụ huynh còn nặng tâm lý phải cho con học đại học, chưa hiểu hết về hệ giáo dục nghề nghiệp, học nghề nên các trường nghề rất khó phát triển tuyển sinh. Mặt khác, Bộ GD&ĐT giao quyền cho các trường đại học tự xác định chỉ tiêu nên chỉ tiêu của từng trường rất lớn, hầu như đã tuyển hết học sinh tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, các trường đã sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh để có thể tuyển sinh sớm, nhiều học sinh đang học ở đầu kỳ II lớp 12 đã biết mình đậu đại học. Đặc biệt, thông tin của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nên học sinh tốt nghiệp THPT và phụ huynh không có điều kiện để tiếp cận, tìm hiểu hoặc tạo tâm lý băn khoăn về chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2024 – 2025 tăng nên cũng có tác động vào kết quả tuyển sinh học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, Tiến sỹ Cao Thành Lê cho biết thêm.

dt-aa048edf3f9dc7bd-8165.jpg
Tính đến hết tháng 9/2024, Trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh đã tuyển sinh trình độ cao đẳng 318 sinh viên.

Tại Trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh, năm học 2024 – 2025, nhà trường đăng ký tuyển sinh 425 chỉ tiêu, trong đó trình độ cao đẳng 355 sinh viên, trình độ trung cấp 70 học sinh. Tính đến hết tháng 9/2024, nhà trường đã tuyển sinh trình độ cao đẳng 318 sinh viên, tuyển sinh trình độ trung cấp 41 học sinh.

TS Trần Chiến Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho biết: "Nguyên nhân nhà trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh do nhiều trường đại học cũng đã thực hiện tuyển sinh bằng phương án xét tuyển học bạ nên nhiều em có nguyện vọng được đi học đại học hơn so với học cao đẳng và trung cấp. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế, nhiều kỹ thuật phải là nhân viên y tế hạng III (trình độ đại học) mới được thực hiện, do vậy, trình độ cao đẳng không đáp ứng được một số vị trí việc làm tại các cơ sở y tế. Cùng đó, đối với nhóm ngành sức khỏe có ngưỡng đầu vào phải là học sinh tốt nghiệp THPT nên không tuyển được đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề theo định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS. Chính vì thế mà số học sinh đăng ký tuyển sinh vào trường bị hạn chế".

dt-dsc2619-9648.jpg
Giảng viên Trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh hướng dẫn sinh viên thực hành cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Năm học 2024 - 2025, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đăng ký tuyển sinh hơn 3.600 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu trình độ trung cấp hơn 1.000 chỉ tiêu, còn lại là trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng.

Nhà trường có chính sách miễn học phí học nghề đối với học sinh vừa học THPT vừa học nghề. Đồng thời, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, giới thiệu học sinh thực tập, trong thời gian thực tập tại các doanh nghiệp có hưởng lương; nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường đã có việc làm và thu nhập ổn định ở cả trong nước và nước ngoài... Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9, nhà trường chỉ tuyển sinh được gần 500 chỉ tiêu trung cấp, còn lại là các trình độ khác.

dt-6592921377-n-8088.jpg
Học sinh Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh thực hành nghề hàn.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Ngọc cho biết: “Tư tưởng của nhiều phụ huynh, học sinh sau tốt nghiệp THCS là phải vào bằng được các trường THPT công lập hoặc học sinh tốt nghiệp THPT thì cố thi vào các trường đại học mà không quan tâm đến học lực, khả năng của mình và khả năng tìm việc sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục đào tạo chung”.

Hà Tĩnh hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo kế hoạch đào tạo nghề, năm 2024, toàn tỉnh sẽ tuyển sinh mới 21.500 chỉ tiêu đào tạo nghề. Trong đó, trình độ cao đẳng 1.000 chỉ tiêu, trình độ trung cấp 5.100 chỉ tiêu, còn lại là trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ tuyển sinh được hơn 9.000 học sinh, sinh viên, học viên, trong đó, trình độ cao đẳng gần 700 sinh viên, trình độ trung cấp hơn 1.700 học sinh, còn lại là các trình độ khác.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề, đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo nghề, có thêm chính sách ưu đãi để thu hút, tuyển dụng giảng viên, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giỏi để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tìm kiếm, chủ động áp dụng các phương thức tuyển sinh hiệu quả hơn; tăng cường công tác truyền thông để đưa thông tin đến với xã hội về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo như: đa dạng hóa, linh hoạt hóa các hình thức đào tạo để người học có thể đăng ký học theo nhu cầu; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, kết nối doanh nghiệp giải quyết việc làm sau đào tạo.

Ông Mai Lê Thuộc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Chủ đề Hướng nghiệp dạy nghề

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.
Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Trường THPT Nguyễn Đình Liễn – dấu ấn tuổi 20

Với tâm huyết, nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giáo viên, 20 năm qua, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định chất lượng trong sự nghiệp GD&ĐT.
Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.