Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm 2019 đến nay, trong việc điều tra, truy tố, xét xử 10 vụ trộm cắp ở Hà Tĩnh, có 7 vụ xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi này còn nhiều khó khăn.

Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

Sau khi trộm cắp tài sản, Bùi Văn Sinh (SN 1990, trú xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã bán lại 2 chiếc máy tính xách tay cho một cửa hàng công nghệ tại TP. Vinh, Nghệ An

Sáng 22/6/2020, tại hội trường xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh, bị cáo Bùi Văn Sinh (SN 1990, trú huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) khai nhận đã lấy trộm 3 chiếc điện thoại và 2 máy tính xách tay tại Bưu chính Viettel Hà Tĩnh (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh).

Sinh đã bán 2 chiếc máy tính xách tay cho một cửa hàng công nghệ nằm trên đường Nguyễn Du (TP Vinh, Nghệ An) với giá hơn 1,9 triệu đồng. Theo lời khai của bị cáo, sau khi nghe người bán trình bày máy tính thuộc sở hữu của mình nhưng không có nhu cầu sử dụng, chủ cửa hàng đã đồng ý mua lại.

Trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu như trộm cắp, cướp giật… yếu tố mua lại tài sản trộm cắp không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, tại các phiên xử, tình tiết “do người mua không biết nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có nên cơ quan điều tra không đề cập hình thức xử lý là phù hợp” luôn được kiểm sát viên nêu trong cáo trạng.

Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

Lê Hữu Thắng (SN 1975, trú TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) và Trần Văn Chiến (SN 1972, trú xã Phúc Trạch, Hương Khê) trộm cắp tài sản là tiền, vàng, ngoại tệ rồi tới 1 tiệm vàng ở TP Hà Tĩnh để bán lại với giá 32 triệu đồng. TAND huyện Thạch Hà đã tuyên phạt Trần Văn Chiến và Lê Hữu Thắng tổng số 64 tháng tù về hành vi nói trên (ảnh chụp ngày 14/5/2020).

Ông Nguyễn Thành Nhân - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà phân tích: “Việc xử lý hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 250, Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt lên đến 10 năm tù. Tuy nhiên, tại khoản 1 điều này quy định, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người mua biết rõ tài sản tiêu thụ do phạm tội mà có. Nếu không, việc tiêu thụ chỉ là một giao dịch dân sự thông thường và sau khi chứng minh được đó là tài sản phạm tội mà có, giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu; đồng thời các bên có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận”.

Trên thực tế, việc chứng minh người mua có tội trong trường hợp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có rất khó khăn. Quá trình điều tra, người mua luôn tìm cách phủ nhận mình không biết về nguồn gốc tài sản, trong khi cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để làm rõ.

Nhiều vụ án ở Hà Tĩnh xuất hiện tình tiết tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có

Với hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, Phạm Văn Thành (SN 1996, trú tại thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) bị TAND thành phố Hà Tĩnh tuyên phạt 39 tháng tù giam vào ngày 15/1/2020.

Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu cho hay: “Từ kẽ hở của pháp luật, rất nhiều giao dịch mua bán tài sản không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra bình thường. Với những tài sản có giá trị lớn, theo quy định của pháp luật, phải có giấy tờ sở hữu để chứng minh nguồn gốc, nhưng với những tài sản như vàng bạc, túi xách... cơ quan chức năng khó có căn cứ để quy kết người mua.

Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước; ảnh hưởng tới quá trình điều tra, phát hiện tội phạm mà còn tạo điều kiện cho những người khác dễ dàng đi vào con đường phạm tội”.

Tỷ lệ nhóm tội xâm phạm sở hữu, gồm trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản chiếm khoảng 50% trong tổng cơ cấu tội phạm. Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng có mối quan hệ mật thiết với nhóm tội này nhưng vấn đề xử lý hiện vẫn chưa tương xứng.

Vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng kẻ gian tiêu thụ tài sản trộm cắp được, cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở cầm đồ, điểm kinh doanh hàng đã qua sử dụng bằng biện pháp hành chính, hóa đơn, thuế…; siết chặt quản lý việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản; có biện pháp cứng rắn với những người bán hàng không rõ nguồn gốc ở vỉa hè, đường phố.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án nhằm đảm bảo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình tố tụng; gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm”, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà cho biết thêm.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.