Nhìn lại 6 tháng chiến sự ở Gaza

Đã nửa năm kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Dải Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn khẳng định chỉ còn một bước tới chiến thắng, trong khi giới phân tích cho rằng vẫn còn xa.

1.jpg
Trẻ em ở thành phố Rafah phía nam Gaza - Ảnh: AFP

Ngày 7/4 đánh dấu tròn sáu tháng kể từ khi phong trào Hồi giáo Hamas đánh qua lãnh thổ Israel khiến Dải Gaza hứng chịu cơn cuồng nộ của Tel Aviv.

Đến nay, khi các đồng minh dần mất kiên nhẫn, nỗ lực đàm phán bế tắc, và nguy cơ xung động lan rộng ở Trung Đông, chính quyền ông Netanyahu vẫn kiên quyết đánh xuống tận cùng phía nam Dải Gaza.

Sáu tháng trôi qua, chiến dịch quân sự của Israel đã mang lại cái chết và sự tàn phá không ngừng cho Gaza. Cuộc sống tan vỡ. Trẻ em chết vì thiếu thức ăn và nước uống... Không gì có thể biện minh cho sự trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres viết trên mạng xã hội X

Áp lực bủa vây Israel

Ngày 7-4, Bộ Quốc phòng Israel thông báo quyết định rút lực lượng trên bộ khu vực Khan Younis ở miền nam Gaza sau nhiều tháng chiến tranh ác liệt vì đã đạt mục tiêu xóa sổ Hamas tại đây.

Tuy nhiên, đợt rút quân này là để chuẩn bị cho các chiến dịch khác, bao gồm ở thành phố Rafah - nơi khoảng 1,5 triệu dân thường Palestine đang trú ẩn sau khi bị dồn về từ các khu vực khác.

"Chiến tranh ở Gaza vẫn tiếp tục và chúng tôi còn lâu mới dừng lại. Đây là một cuộc chiến tranh kéo dài với cường độ khác nhau", Hãng tin AFP dẫn lời Tham mưu trưởng Herzi Halevi của quân đội Israel tuyên bố.

Trong bài phát biểu kỷ niệm cột mốc 6 tháng chiến tranh, Thủ tướng Israel kêu gọi người dân đoàn kết và khẳng định sẽ không ngừng bắn cho đến khi Hamas trao trả các con tin.

"Chúng ta chỉ còn cách chiến thắng trong gang tấc" - tờ Times of Israel dẫn lời ông Netanyahu nói. Ông nhắc lại cam kết sẽ truy tìm và tiêu diệt Hamas khắp Gaza, đến tận thành phố Rafah ở tận cùng phía nam khu vực này, bất chấp sự can ngăn của đồng minh Mỹ.

2.jpg
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm thi thể người chết bên trong bệnh viện Al Shifa ngày 8-4, giữa lúc chiến sự diễn ra khốc liệt - Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên trong mắt giới quan sát, các cuộc tấn công của Israel đến nay không đạt được mục tiêu nào mà ông Netanyahu đặt ra và Tel Aviv không có kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc chiến và tương lai cho Gaza.

Dù Tel Aviv khẳng định đã diệt hàng ngàn thành viên Hamas nhưng hầu hết lãnh đạo của nhóm này vẫn an toàn, chưa kể các lãnh đạo chính trị Hamas ở nước ngoài. Trong khi đó, 129 con tin vẫn còn ở Gaza.

Quyết tâm tiếp tục truy đuổi Hamas ở Gaza bất chấp hậu quả nhân đạo khủng khiếp đang khiến Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, trong khi chính phủ nước này phải đối mặt với áp lực từ mọi phía.

Nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo Israel có thể phạm tội diệt chủng và ngay cả những đồng minh thân cận nhất của nước này hiện cũng đang công khai chỉ trích Thủ tướng Netanyahu. Trong khi đó, ngày càng nhiều lời kêu gọi ngừng vận chuyển vũ khí tới Israel ở Mỹ và Anh.

3.jpg
Nguồn: AFP - Dữ liệu: Trần Phương - Đồ họa: T.ĐẠT

Trông chờ đàm phán

Các chuyên gia cho rằng Israel đang phải đối mặt với một tình huống bế tắc vì mục tiêu mà nước này đặt ra là loại bỏ Hamas là điều không thể. Hamas nắm quyền ở Gaza kể từ năm 2007, kiểm soát tất cả các cơ quan chính phủ và an ninh cũng như hệ thống y tế, giáo dục và xã hội.

"Israel không thể đạt được mục tiêu bởi vì Hamas là một phần không thể thiếu của xã hội Palestine ở Bờ Tây và Gaza" - Nathan Thrall, một chuyên gia về xung đột Ả Rập - Israel ở Jerusalem, giải thích trên Đài CNN.

Theo ông Thrall, sau khi Israel tuyên bố đã đánh bại Hamas ở phía bắc, có thể thấy rằng tuần nào cũng có binh sĩ Israel thiệt mạng ở phía bắc, nên rõ ràng là Hamas sẽ tiếp tục tồn tại sau cuộc chiến này dù Israel có đánh Rafah hay không.

"Hamas là một thế lực mạnh và sẽ vẫn như vậy cho đến khi cuộc chiến này kết thúc" - vị chuyên gia này bình luận.

Trong khi đó, các giải pháp khác, chẳng hạn để chính quyền Palestine kiểm soát Gaza, gần như bất khả thi vì lập trường của Israel.

Ngoài ra, việc Israel không kích nhầm đoàn xe cứu trợ quốc tế ở Gaza tuần trước khiến Mỹ dọa xem lại hỗ trợ quân sự cho Tel Aviv. Động thái của Washington cũng làm tăng áp lực phải tìm giải pháp trong các cuộc đàm phán.

Ngày 8-4, truyền thông Ai Cập đưa tin cuộc đàm phán mới ở Cairo đã có "tiến triển đáng kể" sau nhiều tuần bế tắc. Theo kênh Al-Qahera, các phái đoàn Hamas và Qatar sẽ quay lại trong vòng hai ngày để thống nhất các điều khoản của thỏa thuận cuối cùng, trong khi các cuộc tham vấn sẽ tiếp tục trong 48 giờ tới. Ngược lại, các quan chức Hamas sau đó nói rằng "không có gì mới" ở Cairo.

Đến nay, Israel và Hamas vẫn đổ lỗi cho nhau khiến đàm phán thất bại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt câu hỏi về ý định của ông Netanyahu khi ông gửi các đàm phán viên đến đàm phán nhưng không cho họ toàn quyền chốt thỏa thuận, trong lúc liên tục dọa đánh Rafah.

Dù các quan chức Israel nói đây là chiến thuật của ông Netanyahu nhằm gây sức ép lên Hamas, song giới quan sát cho rằng ông đang tìm cách níu kéo quyền lực.

"Ông ấy đã quay trở lại với kịch bản của mình, đó là không đưa ra bất kỳ quyết định nào. Ông ấy không muốn châm ngòi cho bầu cử và việc đưa ra quyết định theo bất kỳ hướn g nào đều có khả năng dẫn đến bầu cử" - nhà phân tích Michael Koplow, thuộc nhóm nghiên cứu Diễn đàn chính sách Israel tại New York, nhận định trên tờ New York Times.

Ông Netanyahu đối diện áp lực trong nước

Trong nước, chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức. Bên ngoài, nguy cơ cuộc xung đột lan rộng sau khi Tehran thề sẽ trả đũa việc Israel tấn công sứ quán Iran ở Syria.

Ngày 7-4, quân đội Israel tuyên bố đã chuẩn bị cho mọi tình huống với Iran. "Israel biết cách đối phó với Iran, cả tấn công và phòng thủ", ông Halevi nói. Tel Aviv cũng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh với nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở biên giới phía bắc với Lebanon.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.