Tôi sinh ra và lớn lên từ làng, nơi có lũy tre xanh... Ảnh Internet
Cuộc sống mưu sinh đành phải xa nhà, quá nửa đời người, thỉnh thoảng về thăm quê, tôi dành thời gian ít ỏi để tản bộ trên đường làng, để được vui, được chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương, nhớ lại tuổi thơ với lũy tre đầy ắp kỷ niệm. Và bất chợt bài thơ của Nguyễn Duy từ thời còn cắp sách đến trường vang lên trong tôi:
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu...”.
Tôi vòng theo con ngõ dài ngoằn ngoèo ôm suốt bờ vùng của làng nay đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Âm thanh của những công cụ làm nghề mộc, nghề hàn vui nhộn. Dãy tre đã bị chặt đi phần nhiều, còn lác đác những bụi nhỏ mọc chen lấn khẳng khiu. Một chút sững sờ trong ký ức, tôi dừng lại bên bụi tre đầu làng, bụi tre ngày tôi còn chưa chào đời: “bụi tre cụ Cảnh”.
Ôi bụi tre già thân thương của tuổi thơ tôi, của bao thế hệ người quê lam lũ, tảo tần! Những trưa hè chơi trò đánh đáo, ném khăng cùng lũ bạn, rồi những ngày đông đi lột bẹ măng già, nhặt que khô gom về cho mẹ nhen bếp. Ông cụ Cảnh cần mẫn, hí hoáy đào tỉa những gốc già nua đem phơi làm chất đốt. Tôi ngây thơ hỏi thì được cụ bảo: Đào gốc cỗi đi để cho tre lên mầm măng mới. Bụi tre này được trồng đầu làng nên đã trở thành chỗ tụ họp, nghỉ ngơi của người dân khi đi làm đồng về nên cụ không nỡ chặt hủy mà để lại đến hôm nay.
Bụi tre già thân thương của tuổi thơ, của bao thế hệ người quê lam lũ, tảo tần... Ảnh Internet
Xưa khó khăn, thiếu thốn, tre như là người đồng cảm, cưu mang, như là cốt cách thân thiện của làng. Tre được trồng nhiều và trở thành tấm lá chắn mỗi mùa mưa bão. Tre dễ trồng lại có sức sống mãnh liệt dù có phải chặt đốn. Tre được dùng từ việc lớn như làm nhà dựng cửa, cột kèo, phên liếp, cày bừa, cối xay lúa rồi chuồng trại chăn nuôi; việc nhỏ như đan rổ rá, nong nia, cán cuốc xẻng, cán gầu, tăm, đũa...
Tre là niềm vui con trẻ từ súng phóc, que khăng, cần câu. Tre làm đòn khiêng tiễn đưa phận người về mây khói. Làm gì cũng cần đến tre. Những trưa nắng hạ oi nồng, mọi người ngồi chõng tre phe phẩy quạt nan hoặc mắc võng ngả lưng dưới bóng tre rồi rôm rả chuyện trò. Tre ngày xưa còn là một nguồn thực phẩm. Măng tre bẻ về thái mỏng luộc ăn cứu đói, nhẩn có vị đắng nhẹ đầu lưỡi, lá tre được các thầy thuốc đông y dùng vào nồi nước xông chữa bệnh...
Nhìn thấy tre là thấy cả một màu yên ả, an lành.
Nhìn thấy tre là thấy cả một màu yên ả, an lành. Dưới những rặng tre ấy là bản sắc văn hóa cộng đồng, là mạch sống, nguồn yêu thương vô tận trong mỗi người. Tre hiện không còn là thứ thiết yếu trong nhu cầu của nông thôn nữa. Dẫu thưa thớt dần nhưng tre vẫn tồn tại sang trọng, nhã nhặn khi được trồng làm cảnh ở quán cà phê, khách sạn, nhà hàng... Tre làm đồ mĩ nghệ, lưu niệm, những bức tượng được chế tác từ rễ và gốc rất có hồn và được ưa chuộng.
Được trở về làng, nhìn thấy tre sao lòng thanh thản đến lạ, quá đỗi bình an và lắng đọng. Bầu không khí trong lành, gần gũi, thấy trọn hình bóng quê giản dị mà cao quý biết bao.