Những dấu mốc lịch sử của Afghanistan trong 20 năm qua

Đúng 20 năm trôi qua sau ngày Mỹ và các đồng minh đem quân tấn công Afghanistan để lật đổ Taliban nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9, nhóm vũ trang này lại trở lại nắm quyền.

Những dấu mốc lịch sử của Afghanistan trong 20 năm qua

Các binh sĩ Mỹ khiêng một người bị thương ở phía nam Afghanistan hồi tháng 10/2020 (Ảnh: Reuters).

Taliban đã tuyên bố chiến tranh kết thúc ở Afghanistan sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Những để đi đến cục diện mới này gây sốc như thế này, Afghanistan đã trải qua một hành trình dài và chứng kiến nhiều máu đổ.

Với thực tế Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm bị đánh bại, hãy cùng nhìn lại các dấu mốc mang tính bước ngoặt ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này, kể từ khi chế độ Taliban đầu tiên bị lật đổ trong cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu vào năm 2001, ngay sau vụ tấn công khủng bố 11/9.

2001: 11/9 và "cuộc chiến chống khủng bố"

Tổng thống Mỹ George W. Bush vào năm 2011 đã phát động “cuộc chiến chống khủng bố” nhằm đáp trả các cuộc tấn công kinh hoàng tại Mỹ vào ngày 11/9, vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 3.000 người, bằng các cuộc không kích vào Afghanistan vào ngày 7/10.

Chính phủ của Taliban lúc đó bị cáo buộc đã che chở cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda và thủ lĩnh Osama bin Laden, kẻ chủ mưu các cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ.

Lên nắm quyền từ năm 1996, Taliban sau đó sớm bị quân Mỹ đánh bại và lực lượng này đã bỏ chạy khỏi thủ đô Kabul. Ông Hamid Karzai được bổ nhiệm lãnh đạo một chính phủ lâm thời và NATO bắt đầu triển khai Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế đến quốc gia Nam Á này.

2004: Bầu cử tổng thống

Cuộc bầu cử đầu tiên của Afghanistan theo một hệ thống mới được tổ chức vào ngày 9/10 với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao: 70%. Ông Karzai giành 55% số phiếu bầu, đắc cử tổng thống.

Nhưng ngay từ khi bị đánh bại, Taliban đã tập hợp lại ở phía nam và phía đông, cũng như qua biên giới Pakistan, và phát động một cuộc nổi dậy.

2008-2011: Quân tiếp viện của Mỹ

Khi các cuộc tấn công của Taliban ngày càng tăng, năm 2008, Bộ chỉ huy của Mỹ tại Afghanistan đã đề nghị Lầu Năm Góc điều thêm quân. Và lực lượng tiếp viện đầu tiên được gửi đến Afghanistan,

Tổng thống Karzai tái đắc cử vào ngày 20/8/2009 trong cuộc bầu cử bị phủ bóng u ám bởi cáo buộc gian lận, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp và các cuộc tấn công của Taliban.

Năm 2009, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama, từng cam kết chấm dứt chiến tranh Afghanistan, đã tăng gấp đôi quân số của Mỹ lên 68.000 người. Trong năm 2010, quân số Mỹ ở đây đạt khoảng 100.000.

Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt vào ngày 2/5/2011 trong một chiến dịch bí mật của lực lượng đặc biệt Mỹ tại Pakistan.

Vào ngày 22/6, Tổng thống Obama tuyên bố bắt đầu chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan và đến giữa năm 2012 có khoảng 33.000 binh sĩ Mỹ được rút về nước.

2014: NATO rút quân

Vào tháng 6/2014, ông Ashraf Ghani được bầu làm tổng thống mới nhưng cuộc bầu cử đã bị hủy hoại bởi bạo lực và những tranh cãi gay gắt về các cáo buộc gian lận.

Vào tháng 12, NATO kết thúc sứ mệnh chiến đấu kéo dài 13 năm ở đây nhưng vẫn để lại đội quân để huấn luyện quân đội Afghanistan.

Năm 2015, Taliban có những bước tiến quân sự lớn nhất kể từ khi bị lật đổ. Nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng bắt đầu họat động tích cực trong khu vực. Các cuộc tấn công đẫm máu tăng lên, đặc biệt là ở Kabul.

2020: Thỏa thuận Mỹ - Taliban, cuộc bầu cử gây tranh cãi

Tổng thống Ghani tuyên bố chiến thắng nhiệm kỳ 2 vào ngày 18/2/2020. Tuy nhiên, đối thủ của ông, cựu Bộ trưởng Abdullah Abdullah đã bác bỏ kết quả này, và tuyên bố sẽ thành lập chính phủ song song.

Vào ngày 29/2, Mỹ và Taliban ký một thỏa thuận lịch sử tại Doha, theo đó tất cả các lực lượng nước ngoài sẽ rời Afghanistan vào tháng 5/2021, với điều kiện quân nổi dậy bắt đầu đàm phán với Kabul và tuân thủ các đảm bảo an ninh khác.

Một thỏa thuận chia sẻ quyền lực đạt được vào tháng 5 giúp chấm dứt mâu thuẫn giữa Tổng thống Ghani và ông Abdullah. Ông Abdullah giữ vai trò dẫn dắt các cuộc đàm phán hòa bình. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 9 nhưng liên tục bị trì trệ do tình trạng bạo lực gia tăng và Taliban bị quy trách nhiệm đứng sau làn sóng tấn công chết chóc trên khắp đất nước.

Tháng 5/2021: Quân đội nước ngoài rút quân

Vào ngày 1/5, Mỹ và NATO bắt đầu rút 9.500 binh sĩ, trong đó có 2.500 người Mỹ. Cũng trong tháng 5, quân Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Kandahar.

Vào ngày 2/7, Bagram - căn cứ không quân lớn nhất của Afghanistan và là trung tâm thần kinh của các hoạt động của liên quân do Mỹ dẫn đầu - được bàn giao cho các lực lượng Afghanistan.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ hoàn tất việc rút quân trước ngày 31/8, trước dịp lễ kỷ niệm 20 năm vụ tấn công ngày 11/9.

Tháng 5-8/2021: Làn sóng tấn công của Taliban

Quân nổi dậy mở các cuộc tấn công chớp nhoáng trên khắp Afghanistan, chiếm được những vùng đất rộng lớn trên khắp cả nước khi những binh lính nước ngoài cuối cùng bắt đầu rút quân.

Taliban chiếm thủ phủ tỉnh đầu tiên của họ, Zaranj ở phía tây nam vào ngày 6/8. Các thành phố lớn khác cũng thất thủ trong vòng vài ngày, bao gồm Kandahar và Herat - các thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan.

Phần lớn phía bắc, phía tây và phía nam nằm dưới sự kiểm soát của Taliban tính đến ngày 13/8.

Nhưng lúc đó, Lầu Năm Góc vẫn cho rằng, Kabul vẫn vững chắc và không phải đối mặt với một “mối đe dọa sắp xảy ra”.

Ngày 15/8/2021: Kabul hoàn toàn thất thủ

Các lực lượng của Taliban bao vây hoàn toàn thủ đô vào ngày 15/8 với việc đánh chiếm thành phố Jalalabad ở phía đông.

Lúc đó, chỉ còn Kabul trở thành thành phố duy nhất nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Các cơ quan ngoại giao ồ ạt sơ tán các quan chức và nhân viên ngoại giao, những người lo sợ Taliban trả đũa.

Tổng thống Ghani chạy khỏi đất nước, được cho là đến Tajikistan. Taliban tiến vào Kabul, cuối cùng chiếm phủ tổng thống mà không tốn nhiều sức lực.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Ghani thừa nhận quân nổi dậy đã “chiến thắng” và Taliban tuyên bố chiến tranh ở Afghanistan đã kết thúc.

“Cảm ơn Chúa, chiến tranh đã kết thúc”, Mohammad Naeem, phát ngôn viên của văn phòng chính trị Taliban, nói với kênh truyền hình Al Jazeera.

Theo SCMP/Dantri

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.