Những điểm đáng chú ý trong phiên tranh luận kịch tính giữa Trump và Biden

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden đã kết thúc phiên tranh luận đầu tiên trong tối ngày 29/9.

Cuộc tranh luận được hầu hết các hãng tin tức ở Mỹ truyền hình trực tiếp và có tới 120 triệu người theo dõi sự kiện này, một con số kỷ lục. Cuộc tranh luận kéo dài hơn 90 phút được chia thành 6 chủ đề bao gồm hồ sơ của các ứng cử viên, Tòa án Tối cao, dịch bệnh Covid-19, kinh tế, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố ở Mỹ, và tính toàn diện của hệ thống bầu cử Mỹ.

Những điểm đáng chú ý trong phiên tranh luận kịch tính giữa Trump và Biden

Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AP.

Mặc dù có sự điều phối với thời gian cố định dành cho mỗi người, cả hai ứng cử viên đều dành phần lớn thời gian chỉ trích đối thủ thay vì trả lời các câu hỏi cụ thể về chính sách và cách tiếp cận với các nội dung tranh luận.

Liên quan tới vấn đề Tòa án Tối cao, ông Trump cho rằng, ông có quyền đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao vì ông đã thắng cử và đảng Cộng hòa hiện đang nắm giữ Thượng viện. Trong khi đó, ông Biden cho rằng việc lựa chọn Thẩm phán Tối cao nên có tiếng nói của người dân và việc này cần được thực hiện sau cuộc bầu cử ngày 3/11.

Về dịch bệnh Covid-19, ông Biden cáo buộc ông Trump không có một kế hoạch cụ thể để xử lý dịch bệnh dẫn tới việc hàng trăm nghìn người Mỹ đã tử vong và hàng triệu người nhiễm bệnh. Ông Trump phản kích khi cho rằng sẽ có nhiều người tử vong hơn nếu ông Biden lãnh đạo đất nước. Cả hai cũng tranh cãi xung quanh việc mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ.

Khi được hỏi đã trả bao nhiêu tiền thuế liên bang trong năm 2016 và 2017, ông Trump đã tránh đưa ra một con số cụ thể và nhấn mạnh ông đã trả thuế lên tới hàng triệu USD. Đây là một trong những nội dung công kích ông Trump từ ông Biden khi ông này ngay trước tranh luận đã công khai hồ sơ thuế năm 2019 của mình và kêu gọi ông Trump làm điều tương tự.

Liên quan tới vấn đề tính toàn diện của cuộc bầu cử, Tổng thống Trump tiếp tục nghi ngờ sự an toàn của việc bỏ phiếu qua thư và cho rằng điều này có thể dẫn tới gian lận. Trong khi đó, ông Joe Biden nhấn mạnh chưa từng có bằng chứng về điều này và sẽ sẵn sàng chấp nhận kết quả bỏ phiếu khi được công bố.

Ngoài các chủ đề trên, cả hai ứng cử viên còn tranh luận xung quanh lĩnh vực sắc tộc và bạo lực ở Mỹ, biến đổi khí hậu và kinh tế, tuy nhiên cả hai đều không thực sự đưa ra được các điểm nhấn chính sách nhằm giải quyết các vấn đề hiện nay mà chủ yếu dành thời gian chỉ trích đối thủ.

Chỉ còn 5 tuần nữa là tới ngày tổng tuyển cử và hai ứng cử viên vẫn còn hai cuộc tranh luận khác vào ngày 15/10 và 22/10. Ông Joe Biden hiện đang dẫn trước đối thủ của mình trong các cuộc khảo sát trên toàn quốc và tại một số bang chiến địa chủ chốt, do đó chiến dịch tranh cử của ông Biden hy vọng các cuộc tranh luận sẽ là dịp để ông Biden có thể củng cố thế dẫn trước của mình. Trong khi đó, đối với ông Trump, các cuộc tranh luận sẽ là thời điểm quan trọng để lội ngược dòng trong các cuộc khảo sát.

Trong cuộc khảo sát nhanh ngay sau cuộc tranh luận được thực hiện bởi hãng tin CNN, 6/10 người xem cho rằng ông Biden đã thể hiện tốt hơn trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump chỉ là 28%. Trong khi đó, trong một khảo sát trước tranh luận với chính những người này, 56% dự đoán ông Biden sẽ làm tốt trong khi số người thiên về ông Trump là 43%.

Kết quả khảo sát sau tranh luận tương đối giống với kết quả khảo sát năm 2016 sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và bà Hillary Clinton. Trong cuộc khảo sát đó, 62% người dân cho rằng bà Clinton làm tốt còn 27% cho rằng ông Trump là người chiến thắng.

Theo VOV

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.