“Những điều đặc biệt” của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ là lần đầu tiên ASEAN họp cấp cao trực tiếp với một đối tác, sau hai năm đại dịch.

“Những điều đặc biệt” của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng hôm 12/5. (Ảnh: FB của Tổng thống Joe Biden)

Còn nhớ, trước đó đã có không ít trục trặc, Hội nghị vốn định họp từ cuối tháng 1/2022, rồi lùi đến cuối tháng 3, và cuối cùng mới chốt được vào 12 và 13/5. Bối cảnh diễn ra Hội nghị rất đặc biệt, vì sau hai năm trải qua đại dịch Covid, rồi lại còn bao thứ phức tạp mới nảy sinh, nhất là cuộc chiến Nga - Ukraine với nhiều hệ lụy, kể cả sự khác biệt về quan điểm và sự gia tăng cạnh tranh nước lớn. Họp được như vậy, sự cần nhau phải đến từ cả hai phía, cả hai đều có lợi ích, nhưng cũng nhờ thêm sự chủ động từ phía Hoa Kỳ.

Là chủ nhà, Hoa Kỳ dành nghi thức đặc biệt, có lẽ chưa từng có, với ASEAN. Tổng thống Joe Biden đón riêng từng nhà lãnh đạo khi đến Nhà Trắng, có quốc kỳ hai nước và tiêu binh, chủ trì quốc tiệc và thảo luận chung; lại thêm Phó Tổng thống Kamala Harris mời tiệc trưa và chủ trì họp phiên chuyên đề. Chủ nhà cũng bố trí các lãnh đạo ASEAN gặp Chủ tịch Hạ viện và các nghị sĩ chủ chốt, gặp các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các hoạt động dày đặc ghép lại thành một bức tranh toàn cảnh quan hệ hai bên.

Vượt qua cái khó, cái khác biệt, để gặp trực tiếp ở cấp cao, đã là một thông điệp rất lớn, lại thông qua được Tuyên bố Tầm nhìn nâng tầm quan hệ, thì thông điệp càng được nhân lên, không chỉ với hai bên, mà còn với cả khu vực và bên ngoài.

Vậy ý nghĩa của Tuyên bố tầm nhìn và quyết định nâng quan hệ lên tầm “Đối tác Chiến lược Toàn diện” ASEAN - Hoa Kỳ là gì?

Thứ nhất, về cân bằng địa chiến lược, bằng việc sẽ nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, ASEAN thể hiện rõ chính sách đối ngoại của mình, dù Mỹ - Trung cạnh tranh phức tạp, dù ASEAN không chọn bên, thì ASEAN vẫn chọn "chơi" với tất cả, cả Mỹ và Trung Quốc. Nâng tầm quan hệ không chỉ vì giá trị của quan hệ hai bên, mà còn có yếu tố quan trọng, đó là ASEAN cần sự cân bằng chiến lược ở khu vực, cần vai trò và giá trị địa chiến lược của Hoa Kỳ, dù rằng các cam kết kinh tế của Hoa Kỳ còn chưa tương xứng với kỳ vọng của ASEAN.

Còn nhớ năm 2021, khi ASEAN nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia (10/2021) và Trung Quốc (11/2021), cũng là vào lúc quan hệ Australia - Trung Quốc đang căng, do việc hình thành thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Australia, Vương quốc Anh và Mỹ (AUKUS, tháng 9/2021), rồi trừng phạt kinh tế thương mại qua lại nhau. Như vậy, đến cuối năm nay, ASEAN sẽ có 3 đối tác ở mức chiến lược toàn diện: Australia, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Thứ hai, hiện nay dù bận rộn với mối quan tâm đến diễn biến chiến sự ở Ukraine, Hoa Kỳ đã và sẽ dành ưu tiên chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi sẽ quyết định tương lai của trật tự thế giới và cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc.

Hoa Kỳ coi trọng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì sẽ càng phải coi trọng hợp tác với ASEAN. Và để tranh thủ được ASEAN, Hoa Kỳ thời Tổng thống Biden đã có những điều chỉnh rất lớn, xuất phát từ hiểu biết cả mặt mạnh và mặt hạn chế của ASEAN. Trong đó, Hoa Kỳ đã khẳng định không muốn ASEAN phải chọn bên, vì thực chất ASEAN cũng sẽ không chọn.

Cùng với đó, Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, song hành với củng cố, tăng cường đồng minh đối tác và các tập hợp mới như QUAD (Đối thoại Tứ giác An ninh giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc) và AUKUS, để lấy lại sự cân bằng chiến lược ở khu vực. Nơi ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là tạo thế và sự ủng hộ chung ở khu vực, nhưng lại hạn chế khi đi vào thực tế, đối diện với các thách thức chiến lược.

Ngoài ra, Hoa Kỳ đưa ra nhiều đề xuất, về an ninh, bao gồm cả những quan điểm mới về Biển Đông, cũng như về kinh tế. Tuy mới là khởi đầu, nhưng theo Hoa Kỳ có thể coi những đề xuất này như là cung cấp thêm sự lựa chọn cho ASEAN, để ASEAN có thể đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một hai thị trường, nguồn cung. Điều đặt ra là ASEAN và từng nước thành viên sẽ quyết định thế nào.

“Những điều đặc biệt” của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ ba, ASEAN vẫn có thể chọn chơi với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà không loại trừ nhau, và vẫn có thể phát huy vai trò trung tâm của mình trong bối cảnh mới. Thực tế, cạnh tranh nước lớn không phải là điều xa lạ với khu vực và ASEAN. Khi nước lớn cạnh tranh nhau, thì họ càng cần ASEAN, điều này, một mặt vì vị thế của ASEAN, mặt khác cũng vì lợi ích riêng của mỗi bên.

Hoa Kỳ cần có ASEAN để tập hợp, cạnh tranh, hạn chế ảnh hưởng địa chiến lược của Trung Quốc. Còn Trung Quốc cũng muốn qua ASEAN để giảm trừ can dự của Hoa Kỳ ở khu vực. Do vậy, lựa chọn của ASEAN vừa có nhiều không gian hơn, vì các bên đều cần, nhưng cũng phức tạp hơn, vì cơ hội hợp tác luôn đan xen với phức tạp của cạnh tranh nước lớn. Vậy nên, trong khi chiến lược chung là chơi với cả hai, nhưng đi vào cụ thể, thì phải dựa vào nguyên tắc, lựa chọn cái gì đúng, cái gì có lợi chung cho mình và khu vực. Điều quan trọng là đừng vì nỗi sợ bẫy cạnh tranh nước lớn mà mất đi sự chủ động trong việc tạo thế cân bằng và đa dạng hóa quan hệ. ASEAN vừa có thể tranh thủ cả hai đối tác hàng đầu này, trong đó vừa lựa chọn mặt hợp tác phù hợp, vừa cần có tiếng nói về cái đúng, cái sai xảy ra ở khu vực, kể cả về hành vi ứng xử của các nước lớn.

ASEAN là tổ chức khu vực duy nhất kết nối được với tất cả các đối tác chủ chốt, bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chỉ riêng điều này đã cho ASEAN một vị trí đặc biệt, được tất cả các đối tác công nhận. Đoàn kết, thích ứng và chủ động phát huy vị trí này - chính là vai trò trung tâm của ASEAN.

Đương nhiên mọi việc không đơn giản. Nhưng, từ những chuyển động nhiều chiều ở khu vực và thế giới, từ cách ứng xử của ASEAN trong kết nối với các đối tác, nhất là với Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể rút ra nhiều hàm ý với mỗi nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ

Đọc thêm

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Một đảo ở Bắc Cực biến mất

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hiệp hội địa lý LB Nga vừa thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

FAO cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng tại 22 quốc gia

Trong một báo cáo chung được công bố ngày 31/10, hai cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cùng Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ trở nên trầm trọng hơn ở 22 quốc gia do nhiều nhân tố đang leo thang.
Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.