Mẹ tôi – một người phụ nữ sinh ra ở miền quê đất cằn sỏi đá. Nhà ông bà ngoại tôi nghèo, lại đông con. Khi đã có gia đình thì chồng đi làm xa, một mình mẹ nuôi 5 đứa con tuổi ăn tuổi lớn và bố mẹ chồng già yếu. Cuộc sống nghèo khó, được ăn một bát cơm không độn khoai, độn sắn đôi khi đã là một mơ ước, nói gì đến thịt, cá.
Năm thì mười họa may ra mới xuất hiện đĩa thịt gà trên mâm, nhưng sau khi phần ông bà, các con thì mẹ cũng chỉ còn lại những xương xẩu. Có lẽ vì vậy mà trong suy nghĩ của mẹ, đùi gà là một cái gì đó ngon lành, xa xỉ lắm và đến bây giờ, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, mẹ vẫn không quên nhường cho con, cho cháu.
Ảnh minh họa từ internet
Nhờ những vất vả, lo toan của bố mẹ mà chị em tôi có được cuộc sống đủ đầy ngày hôm nay. Mỗi lần gia đình sum họp, anh chị em vẫn thường kể về những kỷ niệm của “tuổi thơ dữ dội”, những lần nghịch ngợm bị mẹ đánh đòn “tập thể”. Hồi đó, lớn cũng như bé, chẳng đứa nào thắc mắc vì sao mẹ “thích” ăn chân gà, đầu gà, xương cá...; cũng không biết rằng, những trò nghịch ngợm, phá phách, những trận ốm của 5 chị em làm oằn thêm đôi vai gầy của mẹ.
Mẹ vẫn thường hoài niệm: “Ngày xưa, bố mẹ khổ lắm!”, “Ngày xưa, nuôi được chúng mày ăn học...”, “Ngày xưa…”. Những câu chuyện “Ngày xưa…” của mẹ luôn có một sức hấp dẫn lạ kỳ đối với chị em tôi. Nó gợi về một thời xa nhớ, cho chúng tôi biết nhiều hơn những vất vả, hy sinh của mẹ.
Hôm nọ, anh cả gọi thợ về lắp cho bố mẹ cái điều hòa trong phòng ngủ. Thế mà, hôm sau về vẫn chẳng thấy dùng, hỏi ra thì 2 cụ bảo: “Bố mẹ dùng quạt quen rồi, nằm điều hòa không quen!?”. Thuyết phục mãi, cuối cùng mới chịu bật máy lên và không quên lẩm bẩm: “Ngày xưa, quạt nan còn sống được, bây giờ có quạt điện là may rồi, cần gì phải điều hòa cho tốn kém. Anh chị cứ hay vẽ chuyện!”. Hóa ra, trong cái lý do “dùng không quen” ấy còn có nỗi lo “tốn kém”.
Chắc hẳn nhiều người sẽ tìm thấy được hình ảnh của mẹ mình trong câu chuyện của mẹ tôi. Sự hy sinh – đó gần như là một đức tính cố hữu của phụ nữ Việt. Họ hy sinh cho chồng, cho con mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh nhưng không nhận ra rằng, sự hy sinh đó đôi khi lại khiến người khác không thoải mái, bởi những gì chúng ta nghĩ là tốt nhất chưa chắc đã tốt cho người khác.
Cuộc sống thời gian khó đã tạo nên những người bà, người mẹ chỉ biết tần tảo, hy sinh và khi đời sống vật chất đầy đủ, họ vẫn lầm lũi hy sinh như một điều mặc nhiên phải thế. Tự hỏi, không biết đến bao giờ, những người phụ nữ như mẹ tôi hiểu rằng, họ sống vui khỏe, hạnh phúc cũng là một cách mang đến niềm vui cho người thân mà không cần phải hy sinh vô điều kiện?
Một mùa vu lan nữa lại về, ngoài kia, biết bao người phụ nữ vẫn mải miết hy sinh và những đứa con vẫn mặc nhiên coi sự hy sinh ấy là trách nhiệm, là bổn phận của người làm cha, làm mẹ. Tôi ước gì, những người phụ nữ như mẹ tôi, một lần thôi trong đời được sống trọn vẹn với những niềm vui, sở thích, hạnh phúc của riêng mình mà không bị ám ảnh bởi những “ngày xưa…” gian khó.