Chỉ cần tiêm là khỏi! - Lời khẳng định nguy hiểm từ bác sĩ "tự phong"

(Baohatinh.vn) - Không được cấp phép hành nghề nhưng nhiều người tại Hà Tĩnh vẫn khám, tiêm, truyền dịch, bán thuốc tại nhà. Việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ khôn lường cho người bệnh.

Y sĩ về hưu kiêm luôn bác sĩ, dược sĩ

Trong vai người đang bị đau đầu gối, chúng tôi tìm đến nhà người đàn ông mà người dân vẫn gọi là "Bác sĩ Lân" ở xã Xuân Lộc - một trong những địa chỉ khám chữa bệnh quen thuộc của người dân trên địa bàn. Tại đây, sau vài thao tác thăm khám và hỏi các triệu chứng đơn giản, người này khẳng định: “Anh bị thoái hóa khớp gối, chỉ cần tiêm 6 liều là sẽ lành hoàn toàn. Bây giờ tiêm 1 mũi, chiều tối tiêm 1 mũi là tối nay anh sẽ thấy bệnh thuyên giảm ngay”.

bqbht_br_anh-nha-ong-lan.jpg
Không biển hiệu nhưng căn nhà của ông Lân là nơi thăm khám cho nhiều bệnh nhân.

"Bác sĩ Lân" cũng luôn khẳng định về tay nghề của mình, đồng thời thuyết phục chúng tôi để ông tiến hành tiêm thuốc. Trước khi tiêm, ông Lân đưa cho chúng tôi một số thuốc tây với khuyến cáo: “Phải uống trước khi tiêm, để tránh những hệ lụy và biến chứng có thể xảy ra”.

Với triệu chứng khác là đau bụng, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà của "Bác sĩ Lân" vào ngày hôm sau. Và cũng với vài thao tác thăm khám đơn giản, chẩn đoán bệnh bằng phương pháp loại trừ, người này khẳng định: “Anh bị viêm tiền liệt tuyến, chỉ cần uống vài liều thuốc là bệnh sẽ khỏi”.

bqbht_br_anh-kham-ong-lan-2.jpg
Ông Lân thăm khám cho phóng viên.

Sau khi thăm khám xong, ông Lân nhanh chóng di chuyển vào căn phòng chật hẹp phía trong. Tại đây có một tủ thuốc nhỏ với một vài vật dụng thăm khám đơn giản. Sau đó, ông Lân đưa cho chúng tôi 6 liều thuốc được gói vào những tờ giấy nhỏ kèm theo lời khẳng định chắc nịch: “Chỉ cần uống thuốc xong là bệnh sẽ khỏi ngay”.

bqbht_br_anh-thuoc-2.jpg
6 liều thuốc được chia làm 3 ngày uống mà ông Lân bán cho phóng viên với giá 150.000 đồng.

Và cũng như lần trước, "Bác sĩ Lân" tiếp tục "khoe" tay nghề, đau chân, đau bụng, đau đầu, chỉ cần ông tiêm là sẽ khỏi. Để xác nhận lại kết quả chẩn đoán của "Bác sĩ Lân", chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi siêu âm, phân tích mẫu máu và nước tiểu, bác sĩ khẳng định chúng tôi không bị “viêm tiền liệt tuyến” như kết luận của ông Lân.

bqbht_br_anh-kham-chinh-2.jpg
Kết quả phóng viên khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Làm việc với phóng viên Báo Hà Tĩnh, bác sĩ Trần Mậu Thành - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lộc cho biết: “Ông Lân là y sĩ, từng công tác tại một bệnh viện hiện nay đã về hưu, việc khám chữa bệnh tại nhà của ông chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Theo quy định, chỉ các cơ sở y tế được cấp phép hoạt động mới được thực hiện kỹ thuật tiêm truyền (truyền dịch, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch...), do đây là kỹ thuật y tế có độ rủi ro cao. Việc ông Lân tiến hành tiêm tại nhà là sai quy định”.

Video: Ông Lân thăm khám, "bắt bệnh" cho PV Báo Hà Tĩnh.

Trong vai người thường xuyên bị mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà của bà Thưởng ở xã Sơn Tiến (xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn cũ). Với một vài thao tác thăm khám đơn giản, bà Thưởng nhanh chóng chẩn đoán về tình trạng bệnh mà chúng tôi gặp phải; đồng thời khẳng định: “Chỉ cần ít liều thuốc là bệnh sẽ thuyên giảm ngay”.

Khi chúng tôi yêu cầu được truyền bổ sung dinh dưỡng (mà người dân thường gọi là truyền đạm hoa quả) để sớm hồi phục sức khỏe, bà Thưởng có vẻ ngần ngại và cũng không tự tin về tay nghề của mình. Bà Thưởng nói: “Việc truyền dịch có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không may bị sốc thuốc mà không kịp thời sơ cứu. Nhưng nếu người bệnh có nhu cầu thì bà vẫn thực hiện".

bqbht_br_anh-tiem-2.jpg
Một số kim tiêm tại nhà bà Thưởng.

Sau một lúc ngần ngại, bà Thưởng lấy một chai dung dịch Ringer Lactate ở trong tủ và các dụng cụ cần thiết để tiến hành truyền cho chúng tôi, tất cả mọi thao tác đều thực hiện một cách nhanh gọn và thuần thục. Thấy chúng tôi có vẻ lo lắng, bà liền trấn an là việc tiêm truyền được bà thực hiện thường xuyên và cho nhiều người.

bqbht_br_anh-chuyen.jpg
Bà Thưởng tiến hành truyền dịch cho phóng viên.

Bác sĩ Trần Tân Hợi - Quản lý Trạm Y tế xã An Hòa Thịnh (nay là xã Sơn Tiến) cho biết: “Cơ sở của bà Thưởng không được cấp phép. Bản thân bà là y sĩ, từng công tác tại Trạm Y tế xã Sơn An, huyện Hương Sơn (cũ). Sau khi về hưu, bà thực hiện việc khám chữa bệnh ngay tại nhà. Tuy nhiên, vì không có biển hiệu nên việc kiểm tra của chính quyền địa phương và ngành chức năng gặp khó khăn”.

Y sĩ về hưu và chưa được cấp phép hoạt động nhưng hằng ngày vẫn ngang nhiên làm nhiệm vụ thăm khám, chẩn đoán bệnh của bác sĩ; tiêm thuốc của y sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế; đồng thời, kiêm luôn nhiệm vụ bán thuốc chữa bệnh của dược sĩ. Điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đối với bệnh nhân khi đến thăm khám tại đây.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!

Thực tế cho thấy, nhiều bác sĩ... "tự phong”, không có chứng chỉ hành nghề, không được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên thăm khám, tiêm, truyền ngay tại nhà đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo bác sĩ CK1 Nguyễn Bá Trọng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh: “Các loại dịch truyền cho bệnh nhân đều cần có chỉ định của bác sĩ. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ quyết định có truyền dịch hay không, loại dịch nào phù hợp. Các biến chứng có thể xảy ra khi truyền dịch bao gồm: Sưng phù, thậm chí có thể viêm loét tại chỗ do kỹ thuật lấy ven; rối loạn điện giải, sốc dẫn đến phù toàn thân. Thậm chí có trường hợp tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim, tăng huyết áp đột ngột (đặc biệt là bệnh nhân đang mắc bệnh huyết áp, tim mạch)".

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu cho biết: “Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện tiêm, truyền dịch trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt: có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến mức tối đa 15 năm phụ thuộc vào hậu quả gây ra”.

Hoạt động tiêm, truyền dịch là một kỹ thuật y tế có điều kiện, đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo, cấp phép hành nghề và phải tuân thủ nghiêm các quy định chuyên môn tại cơ sở đủ điều kiện pháp lý. Việc tự ý thực hiện tiêm, truyền dịch tại nhà, nhất là bởi người không có chuyên môn hoặc ngoài phạm vi hành nghề là hành vi nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và tiềm ẩn rủi ro lớn về sức khỏe, tính mạng người bệnh. Do đó, cần tăng cường quản lý, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Video: Bác sĩ CK1 Nguyễn Bá Trọng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ đề An sinh xã hội

Đọc thêm

Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Suy tim là bệnh lý nguy hiểm, có tỉ lệ mắc cao và khó điều trị dứt điểm. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, bệnh suy tim càng trở nên nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng tránh? Bác sĩ Trần Văn Cường - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Thức ăn chế biến sẵn - tiện lợi có đi liền tiềm ẩn rủi ro?

Nhiều năm trở lại đây, thực phẩm chế biến sẵn được tiêu thụ ngày càng nhiều bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng và khẩu vị tương đối phù hợp với nhiều người dân Hà Tĩnh. Song, đằng sau sự tiện lợi đó liệu có tiềm ẩn những rủi ro về an toàn thực phẩm.
Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Ẩn họa từ đồ ăn gắn mác "nội địa Trung"

Đồ ăn vặt “nội địa Trung” xuất hiện ngày càng phổ biến ở các chợ mạng, quầy tạp hóa tại Hà Tĩnh nhưng phần lớn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.
Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Sống khỏe cùng BHT: Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc với người xung quanh. Vậy đâu là các dấu hiệu nhận biết? Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ ra sao? Bác sĩ Bùi Thị Tiến - Phòng khám Âm ngữ trị liệu, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh) sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Người mang ánh sáng trở về

Người mang ánh sáng trở về

Với bác sĩ chuyên khoa II Võ Tá Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Hà Tĩnh, ca phẫu thuật không chỉ là nhiệm vụ y khoa, mà còn là một hành trình giúp bệnh nhân “nhìn lại cuộc đời” theo đúng nghĩa đen.
Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Chuyện sau những tia xạ chữa ung thư ở Hà Tĩnh

Trung tâm Xạ trị kỹ thuật cao - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày viết nên những câu chuyện hồi sinh từ lòng tin, từ nội lực ngành y tế địa phương và từ sự đồng hành của y học hiện đại.