Anh Trần Đình Cát vận hành máy móc để khoan giếng.
Chúng tôi theo chân tốp thợ khoan giếng của anh Trần Đình Cát và chị Trần Thị Thi (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc) tới địa bàn thị xã Hồng Lĩnh vào một ngày tháng 9. Ngay khi có mặt tại địa điểm khoan, nhóm thợ gồm 5 người khẩn trương bắt tay vào việc một cách nhịp nhàng, bài bản. Mỗi người một công việc, người xem mạch nước, người vận hành máy móc, tháo lắp mũi khoan, người chỉ đạo dàn khoan… Chỉ một thời gian ngắn, mũi khoan chóng được đặt xuống để bắt đầu hành trình tìm nguồn nước.
Sau hơn 3 giờ cần mẫn, dòng nước bắt đầu phun lên khỏi mặt đất khiến ai nấy đều phấn khởi và thở phào nhẹ nhõm.
Ông Bùi Văn Minh (chủ nhà - phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) chia sẻ: “Những ngày này chúng tôi đang phải chống chọi với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống. Bây giờ khoan được giếng rồi thì đã vơi đi phần nào nỗi lo thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới”.
Nghề khoan giếng luôn lấm lem với bùn đất.
Anh Trần Đình Cát cho biết: "Thời điểm này, các hồ chứa nước, nguồn nước sạch đang dần cạn kiệt do hạn hán kéo dài khiến nhu cầu khoan giếng của người dân tăng cao hơn. Mỗi ngày chúng tôi làm việc từ sáng tới tối, có những nơi khó tìm nguồn nước thì phải làm cả đêm...".
Được biết, vợ chồng anh Cát, chị Thi bén duyên với nghề khoan giếng từ năm 2016. Với nhu cầu ngày càng cao của người dân, năm 2022, anh chị đã đầu tư phương tiện, trang thiết bị, dàn máy nén khí... lên đến gần 1,1 tỷ đồng để đáp ứng công việc, giúp đẩy nhanh tiến độ khoan và có thể triển khai được tại các vùng địa chất xấu, nhiều sỏi đá.
Các thành viên của nhóm thường xuyên làm việc dưới thời tiết nắng nóng.
Dù đã có sự hỗ trợ của máy móc, song nghề khoan giếng vẫn mang tính chất khá đặc thù, nhiều khó khăn và không phải lúc nào cũng thành công. Cả tốp thường xuyên phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng, nhiều lúc mặt trời đứng bóng vẫn phải miệt mài với công việc. Khi gặp sự cố do máy móc hoặc tầng địa chất xấu gây hư hỏng mũi khoan thì sự vất vả lại tăng lên gấp bội. Và dù khá tự tin với kinh nghiệm của mình, song cũng có lúc cả nhóm phải ra về “trắng tay” vì không tìm được nguồn nước.
Chị Thi chia sẻ: “Để thành công đòi hỏi cả yếu tố kinh nghiệm và sự may mắn. Khoảng 80% mũi khoan sẽ thành công nhưng cũng lắm lúc cật lực làm việc cả ngày, khoan mãi vẫn không thấy nước. Hay có lúc khoan cho nhà này khá thuận lợi nhưng nhà hàng xóm cách đấy không xa lại khoan mãi mà chẳng gặp mạch nước”.
Người dân có nước để sử dụng trong sinh hoạt sau khi khoan giếng.
Nghề khoan giếng thường “vào mùa” từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Ở thời điểm cao điểm như hiện nay, mỗi ngày, tốp thợ khoan của anh Cát, chị Thi có thể hoàn thành 2-3 giếng, tạo việc làm với thu nhập khá cao từ 15 - 20 triệu đồng/tháng/người.
“Quá trình làm việc, chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo tuân thủ các quy định, bảo vệ môi trường. Công việc dù vất vả, tất bật, nhưng mỗi khi khoan giếng thành công, tìm được nguồn nước cho gia chủ, chúng tôi lại có thêm niềm vui, động lực để gắn bó với nghề”, chị Thi chia sẻ thêm.