Niềm tin bị “bắt cóc” và xã hội bạo lực lên ngôi

Hai người phụ nữ bị đánh đập dã man vì bị nghi bắt cóc trẻ con. Cơ quan chức năng vào cuộc. Dư luận xã hội lên án. Bạo lực lên ngôi – đầy lo ngại, nhưng đáng lo hơn nữa khi niềm tin dường như đang bị “bắt cóc” khỏi cuộc sống chúng ta.

niem tin bi bat coc va xa hoi bao luc len ngoi

Báo chí đưa tin, chỉ cách đây vài ngày, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hai người phụ nữ bán tăm do bị nghi bắt cóc trẻ em nên đã bị người nhà một cháu bé hô hoán đuổi đánh, thương tích đầy mình.

Hai phụ nữ này sau đó đã được cơ quan công an đưa đến bệnh viện đa khoa Sóc Sơn để khám và điều trị. Điều đáng nói là, theo tìm hiểu của phía công an, hai người này đúng là thành viên của Hợp tác xã Tình thương huyện Mỹ Đức, gia cảnh rất khó khăn.

Nhìn hình ảnh hai người phụ nữ mặt mũi máu me được đăng tải trên mặt báo, tôi còn không dám mở clip ra xem. Tính chất bạo lực khiến tôi cảm thấy rợn người. Có cái gì đó thực sự bất nhẫn. Họ là những người phụ nữ đứng tuổi, là đàn bà chân yếu tay mềm không có sức chống cự đã đành. Nhưng chua chát và xót xa hơn, họ là những người tốt và đang làm việc thiện.

Đây không phải là trường hợp hy hữu, cũng không phải lâu lâu mới diễn ra một lần. Chỉ trong một tháng trở lại đây, liên tục có những vụ việc tương tự thế này: Ở Ba Đồn, Quảng Bình; ở Thanh Hà, Hải Dương… và nhiều địa phương khác. Chỉ cần xuất hiện người lạ với những dấu hiệu bất bình thường, nghe ai đó tung tin là bắt cóc trẻ con, lập tức sẽ có một vụ “xử lý hội đồng” diễn ra tại chỗ khiến người bị nạn không có cơ hội để trình bày hay giải thích.

Cảnh giác với những kẻ bắt cóc, với những rủi ro rình rập là điều nên và điều tốt. Trừng trị cái xấu, cái ác, cũng lại là điều mà bất cứ ai cũng phải có trách nhiệm tham gia. Nhưng liệu có dã man và tàn bạo quá hay không khi chúng ta huy động cả một nhóm người để đánh đập, xả giận lên một, vài người mà ngay cả chúng ta cũng không nắm được chứng cớ họ có ý đồ gì, có âm mưu đen tối ra sao?!.

Thấy anh này ban một cái tát, chị kia bồi thêm một cái đạp, nên ta thấy mình cũng nên gia tăng thêm một cú đấm. Đánh đấm hội đồng, người kia có thương tích nặng nề, thậm chí tử vong, chưa chắc gì đã có người bị bắt tội. Để rồi khi ta chưa kịp hả hê vì mình vừa nhân danh công lý, “thay trời hành đạo” thì phát hiện ra rằng, ta đã đánh nhầm người. Những lời chửi bới nói ra không thu về lại được, những vết thương tích đã gây ra cũng không thể lành lại ngày một ngày hai.

Điều gì xảy ra đã khiến xã hội chúng ta đang sống trở nên bạo lực, đảo điên và hỗn loạn như vậy?

Cá nhân tôi tin trong đám đông bị kích động ấy sẽ có rất ít, hoặc thậm chí không người nào có tâm địa xấu xa. Họ dễ bị kích động, bởi họ thiếu niềm tin hoặc đánh mất niềm tin vào con người, vào pháp luật, vào lực lượng được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho xã hội.

Cho nên, một bộ phận người dân trong những hoàn cảnh nhất định đã tự phát, thoát ly khỏi quy định luật pháp để tự làm những điều bản thân họ cho là đúng, rằng họ phải tự bảo vệ cuộc sống của mình, tự phán xét và tự xử lý, thay vì gửi gắm vào các lực lượng chức năng.

Ai cũng hiểu, nhẽ ra, họ không được bắt giữ, không được đánh đập, hành hung người khác mà phải báo để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, xử lý. Nhưng họ không làm như vậy…

Hồi năm ngoái, phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015, triển khai kế hoạch 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Người dân thiếu niềm tin thì đất nước khó bình yên”.

Nhìn lại những sự việc đã diễn ra, ai trong chúng ta cũng không khỏi bất bình và phẫn nộ. Rất dễ để ngồi một chỗ phán xét về chuyện đã rồi. Nhưng nếu đặt câu hỏi “Vì sao bạo lực, hung hãn lại gia tăng? Vì sao niềm tin suy giảm?”, tôi tin rằng, các cơ quan chức năng sẽ nhận ra, họ có nhiều việc phải làm hơn là chỉ xuất hiện để “dọn dẹp”, xử lý những hậu quả đã diễn ra tại một vài sự vụ cụ thể.

Niềm tin vốn dĩ mơ hồ nhưng sức mạnh của niềm tin lại vô cùng lớn. Để gây dựng niềm tin đã khó, lấy lại niềm tin lại càng khó khăn hơn.

Dù vậy tôi tin, với sức mạnh của Nhà nước pháp quyền, khi sự nghiêm minh của luật pháp được thi hành và bảo vệ, khi cái xấu bị đẩy lùi trước lòng tốt và tử tế, niềm tin tự nó sẽ về trong mỗi người dân!

Theo Bích Diệp/Dân trí

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.