Nông dân đầu tiên ở Hà Tĩnh nuôi bò đực sữa của Tập đoàn TH True Milk

(Baohatinh.vn) - Sau một năm làm công nhân không công để học kỹ thuật nuôi ở trang trại bò sữa Nghĩa Đàn (Nghệ An) của Tập đoàn TH True Milk, anh Nguyễn Thanh Hải ở phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đang gây dựng đàn bò đực sữa lấy thịt đầu tiên ở Hà Tĩnh.

Video: Anh Nguyễn Thanh Hải chăm sóc đàn bò đực sữa của mình

Bê đực sữa được anh Nguyễn Thanh Hải nhập về nuôi là những con bê mới sinh ra được Tập đoàn TH True Milk bán ra thị trường để nuôi lấy thịt. Xuất xứ từ các nước như: Mỹ, Úc, Hà Lan, giống bò này có thể đạt trọng lượng lớn nhất là 1,2 tấn khi xuất bán

Thuê lại một trại lợn bỏ không sau dịch tả lợn châu Phi ở tổ dân phố La Giang, phường Trung Lương, anh Nguyễn Thanh Hải tiến hành cải tạo chuồng trại và bắt đầu nhập lứa bò đực sữa đầu tiên gồm 150 con vào tháng 12/2019. Quy mô tăng dần, đến nay, trại bò của gia đình anh đã có hơn 200 con.

Anh Hải chia sẻ: “Khó nhất là ở giai đoạn mới nhập bê về chuồng (7 ngày tuổi). Phải có cả kho kiến thức và kinh nghiệm trong 1 năm trời học kỹ thuật ở trại bò sữa Nghĩa Đàn, anh mới có thể có đủ kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc những “em bé” bò sữa này”.

Một ngày của ông chủ trại này bắt đầu từ sáng sớm, bằng việc ra chuồng kiểm tra sức khỏe cho đàn bê con, nhất là những chú bê từ 7 đến 15 ngày tuổi. Việc đầu tiên là đặt tay vào cổ để kiểm tra thân nhiệt của từng con

Nếu có dấu hiệu sốt thì phải kiểm tra chính xác bằng nhiệt kế, đồng thời thăm dò nhịp thở của chú bò con bằng cách đặt tay lên hông để xem bò có bị viêm phế quản, viêm phổi hay các bệnh hô hấp khác hay không.

Tiếp đó là pha sữa bột, ủ sữa và trộn với sữa tươi để cho các chú bò ăn sáng. Nguồn thức ăn chính của lứa bò nhỏ tuổi này được lấy từ sản phẩm phụ của trại bò TH Nghĩa Đàn. Trong vòng 7-15 ngày tuổi, bò con chỉ ăn sữa, mỗi ngày 2 buổi, 8h sáng và 5h chiều. Từ 16 ngày tuổi trở lên bò con bắt đầu ăn dặm bằng cám ngô trộn với sữa và cỏ ủ lên men.

“Chăm sóc lứa bê con phải nâng niu như những đứa trẻ. Khi bê nhớ mẹ, chúng rất thèm được mút ngón tay như đang ngậm vú bò mẹ. Trong cả đàn thế nào cũng có những con rất cá tính. Người nuôi cần có thời gian gần gũi, chăm sóc ân cần thì chúng mới khỏe mạnh, lớn nhanh” - anh Hải chia sẻ.

Lúc bò tầm 3 tháng tuổi trở lên, các loại bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy cơ bản chấm dứt. Tuy nhiên, đến tận 4 tháng thì các chú bò mới được “cắt sữa” và thức ăn chính lúc này là cám và cỏ.

Với quy mô gần 200 con như hiện nay, mỗi ngày ngoài hàng trăm lít sữa, đàn bò còn cần hàng tấn cỏ và cám lúa mạch

Trong số 9 nhân công ở trại bò đực sữa của gia đình anh Hải, thường xuyên có 4 người đi cắt cỏ tươi. Ngoài ra, anh Hải còn nhập cỏ sữa trồng ở Nghĩa Đàn thì mới đủ thức ăn cho đàn bò. Anh cho biết: Hiện chính quyền xã Trung Lương đồng ý cho anh thuê 4ha đất vùng ngoài đê để trồng cỏ. Khi triển khai được vùng nguyên liệu này, trại bò sẽ có nguồn thức ăn chủ động hơn.

Rời “nhà mặt phố” ở phường Nam Hồng, nhiều tháng nay, anh Hải đã ăn ngủ trong trang trại cùng đàn bò. Không chỉ là một “người mẹ” sớm khuya chăm sóc, anh còn vững vàng với vai trò là “bác sỹ” với đầy đủ các loại thuốc phòng, chữa bệnh cho đàn bò.

Đến nay, sau hơn 3 tháng nuôi, 150 con bò lứa đầu tiên đã có trọng lượng khoảng 1,5 tạ; lứa tiếp theo 50 con mới 14 ngày tuổi. Theo quy trình, đến lúc xuất bán sau 22 tháng nuôi, bò thịt sẽ có trọng lượng 1 - 1,2 tấn/con. Giá bán bò hơi 80 ngàn đồng/kg. Sản phẩm của trại bò anh Hải đã được một công ty thực phẩm liên kết thu mua.

Dự kiến trong tháng 3/2020, gia đình anh tiếp tục nhập thêm 90 con lứa 7 ngày tuổi. Hiện anh Hải đang tiếp tục xây dựng hệ thống chuồng trại khoảng 150m2 để tiếp tục mở rộng quy mô thả nuôi. Anh Hải cho biết: Ngoài việc nuôi bò thịt, anh dự định sẽ trở thành điểm cung ứng giống cho bà con nông dân nuôi theo hình thức liên kết từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm.

Từ sự thích nghi tốt của đàn bò đực sữa trên địa bàn và xác định đây là hướng đi có triển vọng trong chăn nuôi, thị xã Hồng Lĩnh đã xây dựng kế hoạch nhân rộng thêm 2 mô hình nuôi bò đực sữa với quy mô 200 con/mô hình ở xã Thuận Lộc. Đây được xem là hướng đi tích cực cho việc phát triển chăn nuôi, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi.

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói