Những ngày gần đây, có khoảng 100 hội viên nông dân Hà Tĩnh tham gia BHXH tự nguyện.
Gắn bó với ruộng vườn từ nhỏ, có thừa kỹ thuật sản xuất, kinh nghiệm chăm sóc cây trái, vật nuôi nhưng những thông tin về chính sách BHXH tự nguyện của anh Cù Huy Bằng cũng như phần đông những người dân ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc (Lộc Hà) còn khá mới mẻ.
Cầm trên tay cuốn sổ BHXH, anh Bằng nói: Khi còn khỏe như hiện tại thì mình còn làm ra tiền, cố gắng dành dụm đóng BHXH tự nguyện, để khi về già mình được hưởng lương hưu giống như cán bộ nhà nước. Khi sức khỏe đã yếu thì không thể làm ra tiền nên chúng tôi tham gia để dành cho tuổi già sau này, đỡ phải phụ thuộc vào con cháu.
Ngoài việc đồng áng, anh Cù Huy Bằng làm thêm nghề phụ để có thêm tiền mua bảo hiểm hàng tháng.
Hiện tại, tôi chọn mức đóng gần 400 nghìn đồng/tháng. Ngoài việc đồng áng, tôi sẽ làm thêm nghề phụ như vận chuyển sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi bò để có thêm tiền mua bảo hiểm hàng tháng. Nếu sớm biết về chính sách BHXH tự nguyện thì tôi tham gia lâu rồi, không phải đợi đến bây giờ.
Ông Phạm Bá Bút tiếc nuối khi không sớm biết về BHXH tự nguyện...
Cũng tại thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, ông Phạm Bá Bút không giấu nổi vẻ tiếc nuối, năm nay tôi 70 tuổi nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh lam lũ. Tuổi già nhưng mỗi năm vẫn phải làm hơn 1 mẫu ruộng để nuôi thân. Được nghe về chính sách BHXH, người nông dân nghèo lại còn được nhà nước, địa phương hỗ trợ trực tiếp vào tiền đóng bảo hiểm hàng tháng nên tôi đăng ký đóng cho con trai với mức gần 110 nghìn đồng/tháng. Với mức này, mỗi ngày tôi tiết kiệm khoảng 5 nghìn đồng hoặc tháng nào không tiết kiệm được thì chỉ cần bán 1 con gà là đủ tiền để đóng bảo hiểm cho cả tháng. Thời gian sau, tôi sẽ chuyển lại sổ để con mình tiếp tục đóng phí hàng tháng.
... do vậy, ông Phạm Bá Bút cố gắng sản xuất để có tiền đóng bảo hiểm cho con cái hàng tháng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Lộc Hồ Sỹ Giang chia sẻ: xã Hồng Lộc được Tỉnh hội trực tiếp về tổ chức chương trình tuyên truyền về BHXH tự nguyện nên đạt được hiệu quả cao. Khi nghe thông tin tham gia BHXH tự nguyện sẽ có lương hưu, nông dân phấn khởi lắm, có đến 25 hội viên đăng ký tham gia đóng nộp (trước đó chỉ có 1 hội viên tham gia). Đến nay, chúng tôi đã phối hợp cấp sổ cho 15 hội viên nông dân. Với những cách tuyên truyền mới, tôi tin thời gian tới sẽ có thêm nhiều hội viên đăng ký tham gia.
Trong đợt này, hội viên nông dân mua BHXH ngoài được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước (mức hưởng tùy theo đối tượng) còn được hưởng 50 nghìn đồng hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh.
Để người dân nắm rõ thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, những năm qua, hội nông dân các cấp đã phối hợp với BHXH địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên. Đặc biệt, có nhiều đại lý thu là cán bộ hội nông dân nên việc vận động có nhiều thuận lợi. Theo số liệu từ Hội Nông dân Hà Tĩnh, từ năm 2016 đến nay có gần 2.000 hội viên nông dân tham gia BHXH tự nguyện.
Hàng chục hội viên nông dân xã Đức Giang (Vũ Quang) quyết định mua BHXH ngay sau khi được tuyên tuyền.
Trưởng ban KT-XH Hội Nông dân tỉnh Trần Hữu Đức cho biết, BHXH, BHYT là trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước nhằm chăm sóc tốt sức khỏe cũng như đảm bảo cuộc sống cho người dân khi hết tuổi lao động. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh và BHXH tỉnh đã phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách này cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng đề ra chỉ tiêu cụ thể cho từng chi hội.
Đặc biệt, trong hơn tháng qua, tỉnh hội thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền các chính sách về bảo hiểm. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng khuyến khích bằng cách hỗ trợ trực tiếp mỗi sổ BHXH 50 nghìn đồng. Với cách làm là trực tiếp đến từng xã, thôn để vận động, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và thu hút thêm hội viên tham gia BHXH.