Nông dân Lộc Hà xuống giống dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

(Baohatinh.vn) - Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của ông Trần Đình Quang (xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang bước vào giai đoạn làm đất, xuống giống vụ mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
A0001.jpg
Như thường lệ, thời điểm đầu tháng 6 là lúc gia đình ông Trần Đình Quang (xã Bình An) tất bật làm đất, chuẩn bị xuống giống lứa dưa mới. Trung bình mỗi năm, vườn dưa của ông xuống giống 2 vụ chính: vụ thứ nhất bắt đầu từ tháng 3 đến cuối tháng 5, vụ thứ 2 bắt đầu từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8.
A2.jpg
Trước thời điểm xuống giống khoảng 1-2 tuần, đội ngũ nhân công của ông Quang tiến hành ươm hạt dưa lưới trong khay. Theo các công nhân tại đây, công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong cách xử lý đất trước khi gieo hạt, tưới nước đảm bảo độ ẩm cho hạt nảy mầm, phát triển.
A3.jpg
Sau 9 – 10 ngày, cây con bắt đầu phát triển, cho ra khoảng 4 - 5 lá, cao khoảng 5 - 7 cm. Lúc này, cây đã đủ điều kiện để trồng.
A4.jpg
Năm nay, trên tổng diện tích 2.500 m2 nhà màng, ông Quang trồng dưa lưới giống ngoại, với đặc điểm dưa vàng, vị ngọt đậm. Đặc biệt, đây là vụ mùa đầu tiên, gia đình ông tiến hành gieo trồng dưa lưới trên giá thể xơ dừa.
IMG_2655.jpg
“Giá thể xơ dừa có mức chi phí đầu tư lớn hơn, tuy nhiên có thể giúp kiểm soát dịch bệnh tốt, đầu tư 1 lần có thể sử dụng lâu dài. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi mua 12,5 tấn giá thể với tổng kinh phí khoảng 70 triệu đồng” – ông Quang cho hay. (Trong ảnh: Công nhân đang xử lý giá thể trước khi trồng).
S5.jpg
Đang thoăn thoắt trồng cây giống vụ mới, ông Quang kể: "Vụ dưa gần đây cho thu hoạch 9 tấn dưa lưới, mức giá bán lẻ khoảng 50.000 đồng/kg, giá bán sỉ từ 35.000 – 38.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 150 – 170 triệu đồng. Dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao được nhập cho các hệ thống hoa quả sạch trên địa bàn Hà Tĩnh và Hà Nội".
A6.jpg
Bên trong nhà màng được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt ứng dụng công nghệ Israel với tổng mức đầu tư 120 triệu đồng. Dưa lưới phát triển theo 3 thời điểm là: cây con, cây ra hoa đậu quả và cây trưởng thành. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những mầm bệnh khác nhau, do đó, ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp cân đối lượng nước tưới hằng ngày, phù hợp với độ tuổi của cây và điều kiện khí hậu.
A1.jpg
Phân bón sử dụng cho dưa lưới cũng được ông Quang lựa chọn kỹ lưỡng, nhập khẩu giống phân nước ngoài từ các đơn vị trung gian tại Hải Phòng. Các dòng phân chính như: MgNO3, MKP, K2SO4, KNO3, MgSO4, CaNO3, MAP.
A7.jpg
Với tổng diện tích 2.500 m2, mô hình dưa lưới của ông Quang trồng khoảng 6000 – 6.200 gốc cây, mật độ cây cách cây 45 cm. “Thời gian tới, để giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao, tôi dự kiến sẽ đầu tư thêm hệ thống điều hoà tản nhiệt, điện chiếu sáng” – ông Quang cho hay.
S0.jpg
Hiện tại, vườn dưa của ông Quang tạo việc làm cho 4 – 5 nhân công thường trực và 10 – 12 nhân công thời vụ. Mức thu nhập trung bình khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. Chị Lưu Thị Phương (thôn Bình Nguyên, xã Bình An, huyện Lộc Hà) cho biết: “Tôi gắn bó với mô hình trồng dưa đã 3 mùa vụ. Nhờ ứng dụng các công nghệ tưới nước tự động, được hướng dẫn cách chăm sóc, gieo trồng phù hợp, chúng tôi có thể nắm bắt tốt kỹ thuật trồng dưa, thông thạo công việc và có được mức thu nhập ổn định”.
A10.jpg
Theo đánh giá, trồng dưa lưới trên địa bàn huyện Lộc Hà nói riêng và Hà Tĩnh nói chung khó khăn nhất về điều kiện khí hậu, nắng mưa thất thường khiến cây dễ bị sốc nhiệt. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng giúp cây sinh trưởng tốt, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thuận, tiết kiệm lao động so với canh tác truyền thống.
A12.jpg
Đầu năm 2023, sản phẩm dưa lưới của ông Quang với tên gọi "Tổ hợp tác Farm Bình Nguyên" được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Trên các sản phẩm cũng được gắn mã QR giúp khách hàng theo dõi thông tin nguồn gốc, nhật ký sản xuất và các kết quả đánh giá chất lượng. (Ảnh chụp màn hình)
A11.jpg
Với những mầm cây được chăm sóc kỹ lưỡng, chú trọng từ khâu chọn giống, phân bón đến quá trình gieo trồng, vụ dưa lưới được kỳ vọng sẽ mang lại năng suất cao.
Video: Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Lộc Hà bắt đầu vụ mới.

Toàn huyện Lộc Hà hiện có 7 mô hình trồng dưa lưới nhà màng tại các địa phương: Thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu, Hồng Lộc, Bình An. Tổng diện tích trồng dưa lưới trên toàn huyện khoảng 10.000 m2, cho thu hoạch bình quân 40 tấn/vụ, doanh thu khoảng 1,4 - 2 tỷ đồng/ vụ.

.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của ông Trần Đình Quang là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Bình An. Bên cạnh việc cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng, mô hình còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Sự chủ động đầu tư các công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp góp phần giúp địa phương giải quyết các "bài toán" khó trong xây dựng NTM nâng cao. Thời gian tới, đơn vị sẽ kết nối với các cá nhân, tổ hợp tác trên địa bàn, tiến hành học hỏi kỹ thuật gieo trồng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phấn đấu về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2024.

Ông Đặng Hồng Thuẩn - Chủ tịch UBND xã Bình An

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast