Không chỉ bởi bà Angela Merkel cùng đảng Dân chủ Cơ đốc giáo – CDU của mình rất nhiều khả năng chiến thắng để qua đó không chỉ lập một kỷ lục là giữ ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp, mà còn bởi gần như chắc chắn Bundestag, tức Quốc hội Liên bang Đức, sẽ có sự góp mặt của các thành viên một đảng cực hữu, lần đầu tiên kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới 2.
Kịch bản này đang tiến rất sát đến thực tế bởi lẽ các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trước bầu cử tại Đức cho thấy, đảng “Con đường khác cho nước Đức” – AfD được dự báo sẽ giành được từ 9 đến 11% số phiếu bầu của cử tri Đức, thậm chí là nhiều hơn.
Hai ứng viên Martin Schulz và Angela Merkel là những đối thủ “một chín một mười” trong cuộc đua vào chức Thủ tướng Đức (Ảnh: Business Insider) |
Theo Luật bầu cử Đức, một đảng chỉ cần nhận được 5% tổng phiếu bầu trở lên là sẽ có ghế trong Quốc hội Liên bang và với con số dự đoán hiện nay, đảng AfD có thể sẽ giành được từ 60 đến 80 ghế tại Quốc hội Liên bang Đức và thậm chí nhiều cơ hội trở thành đảng lớn thứ 3 tại Đức, sau liên minh hai đảng CDU-CSU và đảng Dân chủ xã hội – SPD.
Đó là một thực tế khiến chính trường và dư luận Đức bất an. Nguyên nhân chính, là do đường lối cực hữu của đảng AfD. Các lãnh đạo của đảng này từng nhiều lần có các phát ngôn mang nặng tính kỳ thị chủng tộc, tôn giáo và chống quyết liệt làn sóng tị nạn. Một lãnh đạo đảng này là Alexander Gauland thậm chí còn từng tuyên bố rằng “người Đức cần phải tự hào về các binh sĩ của mình trong Chiến tranh thế giới II”, bất chấp thực tế lịch sử là những tội ác khủng khiếp do chế độ phát xít Đức gây ra trong cuộc chiến đó.
Điều đáng nói là các tư tưởng cực hữu, phát xít này lại giúp đảng AfD thăng tiến mạnh mẽ trong 2 năm qua. Được thành lập từ năm 2013, AfD không tạo được tiếng vang nào trên chính trường Đức trong 2 năm đầu nhưng kể từ năm 2015, khi cuộc khủng hoảng tị nạn bùng phát ở châu Âu và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn, AfD đã nương theo làn sóng bất mãn của dân chúng Đức để thăng tiến.
Chiến thuật điển hình của AfD là xuất hiện trong mọi cuộc mít-tinh của bà Merkel và đảng CDU và hô hào phản đối tị nạn, thổi phồng các đe doạ an ninh từ Hồi giáo, để từ đó tạo hiệu ứng truyền thông. Chiến thuật “ký sinh” dựa vào sự bất mãn với bà Merkel này đã mang lại hiệu quả. Sự ủng hộ của cử tri Đức với AfD vào lúc cao điểm đã lên tới 15% và hiện dao động quanh 10%, tức gấp 2 lần số ủng hộ mà đảng này có được trong cuộc Tổng tuyển cử 2013.
Đà thăng tiến này đang dần biến thành các thành quả chính trị cụ thể. Kịch bản tốt nhất với AfD, nhưng cũng là tệ hại nhất với các chính đảng khác ở Đức, là sau ngày Chủ nhật 24/9 này, AfD không chỉ giành được gần 100 ghế tại Quốc hội Liên bang mà sẽ trở thành đảng đối lập hàng đầu ở Đức và nắm được vị thế thuận lợi để tiếp tục tập hợp lực lượng. Khi đó sẽ có sự trở lại của bóng ma phát xít vô cùng phức tạp với chính trường và xã hội Đức./.