Tên các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 tại đài tưởng niệm ở New York, Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Hàng loạt các hoạt động tưởng niệm đã diễn ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ, đặc biệt là thành phố New York và thủ đô Washington.
Tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình cùng các quan chức đã dành một phút tưởng niệm tại phòng Bầu dục vào lúc 8 giờ 46 sáng (theo giờ địa phương, tức 19 giờ 46 giờ Việt Nam) - cũng là thời điểm không tặc điều khiển chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tháp phia Bắc của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới.
Sau đó, ông Obama tới dự lễ tưởng niệm tại Lầu Năm Góc, một trong những mục tiêu bị tấn công cách đây đúng 15 năm.
Còn tại New York, người thân những nạn nhân đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố này đã tập trung tại Khu vực số 0 (Ground Zero), nay là Bảo tàng Tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9 và khu Trung tâm Thương mại Thế giới mới, để tưởng nhớ những người đã khuất.
Tên của gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ cách đây 15 năm đã một lần nữa được đọc lên tại đây.
Buổi lễ đã có 6 phút im lặng để tưởng niệm 6 khoảnh khắc kinh hoàng, bao gồm khi 2 chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới (8 giờ 46 và 9 giờ 03), khi 2 tòa tháp này sụp đổ (9 giờ 59 là tòa tháp Nam và 10 giờ 28 là tòa phía Bắc), khi Lầu Năm Góc bị tấn công (9 giờ 37) và 10 giờ 03, khi chuyến bay 73 của hãng United lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.
Trong phút im lặng đầu tiên lúc 8 giờ 46, toàn bộ chuông các nhà thờ ở New York đã rung lên để tưởng niệm thời khắc chuyến bay số 11 của Hãng hàng không American Airlines đâm vào tòa tháp phía Bắc 15 năm trước.
Cả hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ là bà Hilary Clinton ông Donald Trump cũng đã có mặt tại buổi lễ ở New York để tưởng nhớ các nạn nhân.
Trước đó, trong thông điệp được phát vào đêm trước lễ tưởng niệm 15 năm sau vụ khủng bố 11/9, Tổng thống Obama đã kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết khi đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố, đồng thời khẳng định "người Mỹ sẽ không bao giờ đầu hàng trước nỗi sợ hãi."
Ông Obama đồng thời tái khẳng định cam kết của nước Mỹ trong nỗ lực tiêu diệt các tổ chức khủng bố, trong đó có mạng lưới Al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trong vụ tấn công ngày 11/9/2001, từ lúc 8 giờ 46 đến 10 giờ 03, không tặc đã khống chế và cướp 4 máy bay dân dụng Mỹ lần lượt đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và một khu vực gần Shanksville, bang Pennsylvania.
Trùm khủng bố Osama bin Laden và mạng lưới al Qaeda đã nhận gây ra vụ tấn công. Sau vụ khủng bố, Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu và mở cuộc chiến tại Afghanistan.
Tới tháng 5/2011, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden trong cuộc đột kích tại Abbottabad, Pakistan.
Sự kiện 11/9/2001 đến nay được coi là một bước ngoặt trong nền chính trị thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, để lại nhiều tác động lâu dài.
Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng sự kiện 11/9 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại - thời kỳ Hậu hiện đại./.