Với diện tích 100m2, anh Lượng đã bố trí 5 dãy chuồng để nuôi chim bồ câu lai Pháp
Năm 2007, anh Nguyễn Văn Lượng (SN 1982, ở thôn Hà Chua, xã Sơn Tây) đi xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga và đến năm 2020 thì trở về nước, đúng vào đợt dịch COVID-19 bùng phát nên không thể quay trở lại để tiếp tục làm việc. Trong thời gian ở nhà, anh đã học cách nuôi bồ câu lai Pháp, ban đầu ý định để phục vụ gia đình, không ngờ chính từ đây, anh “bén duyên” với nghề và phát triển ổn định.
Anh Lượng chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nuôi thử 50 đôi chim để phục vụ gia đình. Càng về sau, tôi thấy nuôi loại chim này rất dễ, chi phí đầu tư không cao nên mạnh dạn phát triển quy mô lớn hơn để kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, đàn chim của gia đình đã lên tới 1.000 con”.
Ngoài 500 đôi bồ câu nuôi nhốt, anh Lượng còn nuôi thêm 100 đôi nuôi thả để ăn thức ăn rơi vãi từ chim nhốt
Tận dụng diện tích 100 m2 ở phía sau nhà, anh Lượng đã xây tường bao quanh rồi lợp fibro xi măng ở phía trên; bên trong bố trí thành 5 dãy chuồng (mỗi dãy 50 ngăn) để nuôi chim. Các dãy chuồng cũng rất đơn giản, nguyên liệu là những tấm lưới mắt cáo cỡ nhỏ hoặc tận dụng lồng chim cũ bằng sắt.
Để đàn chim phát triển tốt, anh lựa chọn giống rất kỹ trước khi nhân đàn. Chim giống phải chọn con khỏe mạnh, lông mượt và đặc biệt là không có dị tật. Trong quá trình gây dựng, anh Lượng còn tranh thủ thời gian học hỏi qua sách báo, mạng internet, bạn bè... để củng cố thêm kiến thức và kỹ thuật nuôi. Từ 50 đôi, sau 2 năm gây dựng, anh đã có 500 đôi chim bồ câu giống lai Pháp.
Thức ăn cho loại chim này chỉ là bột ngô, cám. Nhằm tăng khả năng sinh sản của đàn chim, anh còn bổ sung thêm cám gà để tăng cường chất tanh. Theo anh Lượng, nuôi chim bồ câu lai Pháp không tốn thời gian, mỗi ngày chỉ cho ăn và uống một lần (sáng hoặc cuối chiều); việc vệ sinh chuồng trại được tiến hành 2 tuần/lần.
Với 500 đôi chim giống, mỗi tháng, anh Lượng có khoảng 300 đôi chim con. Các chim con sẽ được phân loại thành chim giống và chim thịt trước khi bán. Ở thời điểm hiện tại, chim giống được bán với giá 200.000 đồng/đôi, chim thịt 100.000 đồng/đôi. Sau khi trừ các chi phí, bình quân mỗi tháng, đàn chim của anh Lượng cho thu nhập trên 20 triệu đồng.
Ngoài 500 đôi nuôi nhốt, gần đây, anh Lượng còn nuôi thêm 100 đôi chim thả để tận dụng số thức ăn rơi vãi từ chim nhốt và tăng nguồn thu từ chim thương phẩm.
Theo tính toán, sau khi đã trừ các chi phí, bình quân mỗi tháng, đàn chim của anh Lượng cho thu nhập trên 20 triệu đồng.
Anh Lượng cho biết thêm: “Hiện nay, tôi đã cơ bản làm chủ kỹ thuật nên mô hình khá ổn định. Thịt chim bồ câu rất được ưa chuộng do đây nguồn thực phẩm bổ dưỡng, nhất là để bồi bổ cho trẻ em, người bệnh. Bởi thế, số chim thịt và chim giống của gia đình lúc nào cũng “cháy” hàng”.
Mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp của gia đình anh Nguyễn Văn Lượng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, cần được nhân rộng để Nhân dân tận dụng lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế. Qua theo dõi, thời gian qua có nhiều người đến tham quan mô hình nuôi bồ câu của anh Lượng để học hỏi. Hội Nông dân xã đã kết nối và tạo điều kiện để các hội viên có thể chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình để phát triển chăn nuôi bền vững.