Trước đây khi ôtô điện chưa quá thông dụng, chủ sở hữu ôtô thường phải đối diện với những quan ngại về vấn đề thủy kích khi xe rơi vào cảnh ngập lụt hay buộc phải di chuyển qua khu vực có vũng nước sâu. Đến khi ôtô điện xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng loại phương tiện này có thể vận hành an toàn qua các vũng nước ngập do đặc thù về thiết kế so với ôtô sử dụng động cơ đốt trong.
Xe điện có thể lội nước?
Đầu tiên, chuyên trang Electrifying khẳng định không có sự khác biệt giữa xe điện với ôtô sử dụng động cơ đốt trong khi phải đối diện với vùng nước ngập.
Về cơ bản, ôtô không phải phương tiện giao thông đường thủy và không được thiết kế để có khả năng vận hành ở điều kiện nước ngập. Tuy nhiên những vũng nước lớn hay cả một đoạn đường ngập nước là không hiếm gặp khi sử dụng ôtô, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Cơ quan Môi trường của Anh cảnh báo việc lái xe qua dòng nước sâu 30 cm có thể khiến ôtô đi chệch hướng và tiềm ẩn rủi ro xảy ra tai nạn.
Chuyên trang Electrifying cũng khuyên tài xế trong tình huống bắt buộc cần điều khiển xe thật chậm qua vùng nước ngập, giúp hạn chế khả năng mất tiếp xúc giữa bánh xe với mặt đường. Việc làm này cũng đồng thời không hình thành những đợt sóng gây nguy hiểm cho người và phương tiện cùng tham gia giao thông.
Nhóm ôtô sử dụng động cơ đốt trong sẽ có nguy cơ cao bị thủy kích khi di chuyển qua vùng nước ngập bởi vị trí cổ gió hay ống xả trên các xe này có thể dễ dàng đưa nước tràn vào khoang động cơ và gây ra tình trạng chết máy.
Ngoài ra, khi nước tràn vào hoàn lẫn với dầu nhớt và các chất lỏng bôi trơn, làm mát có thể gây ra những ảnh hưởng đến hoạt động của hộp số, dẫn đến hư hỏng cho các hệ thống khác trên xe.
Trong khi đó, ôtô điện sở hữu cấu tạo đơn giản hơn với chỉ motor điện và khối pin, do đó được đánh giá là sở hữu khả năng chống nước tốt hơn so với các loại xe vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch.
Khối pin dù nằm ở vị trí thấp dưới sàn xe nhưng đã được trang bị nhiều lớp bảo vệ cùng khả năng tự cách ly với phần còn lại của ôtô điện, tương tự trường hợp của motor điện và bộ điều khiển. Do đó, giật điện cũng nằm ngoài nhóm nguy cơ hàng đầu khi điều khiển ôtô điện qua vùng nước ngập.
Khả năng lội nước của xe điện
Theo nghiên cứu của Financial Express, ôtô điện có thể di chuyển một cách khá an toàn qua vùng nước ngập nhờ hệ thống bảo vệ chống xâm nhập theo chuẩn IP65 hoặc IP67, tùy thuộc vào từng loại xe.
Chỉ số IP càng cao đồng nghĩa với khả năng chống bụi và nước càng tốt. Ví dụ với chuẩn IP67, xe điện được cho là có thể di chuyển ở mực nước cao đến một mét trong khoảng 30 phút mà vẫn đảm bảo an toàn.
Theo thông tin từ VinFast, toàn bộ dải sản phẩm ôtô điện của thương hiệu này tại Việt Nam gồm VF 5 Plus, VF e34, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9 đều được trang bị bộ pin lithium-ion đạt tiêu chuẩn IP67, do đó đảm bảo an toàn khi di chuyển trong trời mưa hoặc đường ngập.
Theo Electrifying, Audi cho biết các mẫu xe điện của hãng bao gồm Q8 và e-tron cũng có khả năng di chuyển qua vùng ngập nước sâu 500 m. Trong khi đó, Motor1 cho biết một chiếc Tesla Cybertruck từng được cho di chuyển qua vùng nước ngập và đã có thể hoạt động bình thường ở mực nước sâu 79 cm.
Bán tải điện Rivian R1T có khả năng lội nước tối đa gần 1,1 mét, còn Ford F-150 Lightning chỉ có thể di chuyển qua vùng ngập nước tối đa 61 cm. Để dễ đối chiếu, Land Rover Defender - mẫu xe nổi tiếng về khả năng off-road - có thể di chuyển qua vùng ngập nước sâu tối đa 90 cm, theo Motor1.
Chuyên trang Drive dẫn thông tin từ Volvo cho biết XC40 Recharge có khả năng di chuyển qua vùng nước ngập sâu 45 cm, còn Nissan Leaf thế hệ đầu tiên được cho là đủ khả năng vận hành an toàn qua vùng nước sâu 70 cm.
Với Hyundai Ioniq 5, hãng xe Hàn Quốc không nêu rõ mực nước tối đa mà chiếc xe điện có thể di chuyển, tuy nhiên cảnh báo tài xế không nên điều khiển xe qua khu vực ngập cao hơn nửa bánh xe.
Sổ tay hướng dẫn sử dụng của Hyundai Ioniq 5 tại thị trường Mỹ cũng khuyến cáo sau khi di chuyển ra khỏi vùng ngập nước, chủ xe cần làm khô phanh bằng cách đạp nhẹ chân phanh vài lần khi xe đang di chuyển ở tốc độ thấp.
Những rủi ro
Dù ôtô điện được cho là có khả năng chống nước tốt hơn xe xăng, chủ xe cũng không được khuyến khích đưa xe di chuyển vào vùng nước ngập một cách liều lĩnh nếu không cần thiết.
Việc chủ động kiểm tra khả năng chịu đựng của xe có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nằm ngoài phạm vi kiểm soát, chẳng hạn gỉ sét gầm xe hay thậm chí là hư hỏng pin và các chi tiết quan trọng khác.
Như đã đề cập phía trên, tiêu chuẩn IP67 chỉ cho phép ôtô điện được “ngâm” dưới nước trong tối đa 30 phút. Nếu quá thời gian này, những rủi ro về hư hỏng hoàn toàn có thể xảy ra với pin cũng như các hệ thống điều khiển động cơ, điều khiển phanh hay hệ thống đèn của xe.
Một số ngoại lệ cũng có thể xuất hiện. Tháng 4 năm ngoái, tài khoản Jason Hughes đăng tải trên mạng xã hội X cho thấy một chiếc xe điện Tesla đã bị hư hỏng bộ pin khiến xe không thể khởi động. Vị khách hàng khẳng định với Jason Hughes rằng anh ta chỉ điều khiển xe qua một “vùng nước hơi sâu” trong vòng “vài giây”, nhưng hiện trạng cho thấy nước đã thấm vào bộ pin và khiến nó bị ăn mòn.
Việc bộ pin thường được bố trí nằm dưới sàn xe cũng dẫn đến những rủi ro liên quan đến hư hỏng khoang pin do sụp ổ gà hoặc cạ gầm. Trong trường hợp này, nước có thể xâm nhập và làm hư hỏng pin cũng như hệ thống điện trên xe.
Bên cạnh đó, nếu xe bị ngập quá lâu, nước hoàn toàn có thể thấm vào bên trong khoang cabin thông qua những đường ron trên cửa và làm hư hại các chi tiết nội thất như sàn hay ghế da. Rủi ro này được cho là tương đồng và không có sự khác nhau giữa xe xăng với ôtô điện.
Do đó, chủ sở hữu xe điện được khuyến cáo không nên di chuyển qua vùng nước ngập nếu không cần thiết, đồng thời hạn chế để xe điện “ngâm” trong nước quá lâu.
Nếu bắt buộc phải lội nước, chủ ôtô điện cần sớm đưa xe đến các garage để kiểm tra để nhận được những đánh giá từ đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn để đảm bảo xe không bị hư hỏng sau ngập nước.