Kiểm soát thị trường trung thu, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Để Tết Trung thu diễn ra an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Tĩnh đang ráo riết kiểm tra các mặt hàng bánh kẹo, đồ chơi trẻ em...

Kiểm soát thị trường trung thu, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Hà Tĩnh

Lực lượng QLTT kiểm tra bánh trung thu tại các quầy hàng dọc trục đường chính ở thành phố Hà Tĩnh.

Những ngày qua, Đội QLTT số 1 chủ động bố trí lực lượng để kiểm tra hàng hóa, đặc biệt là các cửa hàng bánh kẹo, bánh trung thu trên địa bàn thành phố, huyện Thạch Hà và Lộc Hà.

Đội trưởng Đội QLTT số 1 Trương Quang Thắng cho hay: "Thành phố là nơi có hoạt động kinh doanh sầm uất, lượng hàng hóa lưu thông cao, nhiều quầy hàng buôn bán tập trung quy mô lớn để phục vụ thị trường Tết Trung thu.

Vì thế, chúng tôi kiểm tra từ sớm về giá cả, nguồn gốc, hạn sử dụng… các mặt hàng bánh kẹo, bánh trung thu, đồ chơi trẻ em; cử người bám nắm địa bàn, chủ động nắm được thông tin về các sai phạm để kịp thời xử lý".

Kiểm soát thị trường trung thu, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Hà Tĩnh

Các mặt hàng phục vụ trẻ em dịp trung thu ở thành phố Hà Tĩnh cũng được lực lượng QLTT tập trung kiểm tra.

Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, lực lượng QLTT phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nhất là những mặt hàng đồ chơi thông minh, đồ chơi tích hợp nhiều chức năng và các loại đồ chơi theo thị hiếu của trẻ em dịp Tết Trung thu. Nếu phát hiện hành vi kinh doanh đồ chơi kích động bạo lực, đồ chơi không có dấu hợp quy, không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu…, sẽ xử lý nghiêm.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT cũng đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại để nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kiểm soát thị trường trung thu, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Hà Tĩnh

Đội QLTT số 5 kiểm tra bánh kẹo tại các quầy tạp hóa ở Hương Sơn.

Ông Võ Viết Linh – Đội trưởng Đội QLTT số 5 thông tin: “Đội tiến hành kiểm tra sản phẩm bánh kẹo, đồ chơi trẻ em trên địa bàn huyện Hương Sơn và Đức Thọ nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Đồng thời, kiểm tra các giấy tờ, thủ tục kinh doanh của các cửa hàng, tuyên truyền để tiểu thương kinh doanh đúng quy định. Đến nay, trên địa bàn 2 huyện do đội quản lý, bánh trung thu được đưa về bán không quá nhiều, hầu hết là của các hãng uy tín”.

Kiểm soát thị trường trung thu, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Hà Tĩnh

Các mặt hàng được kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng...

Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Đình Khoa: Tết Trung thu là dịp nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em tăng mạnh. Vì vậy, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, đồ uống, cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em. Cụ thể là kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng hàng hóa...

Đối với các quầy bánh trung thu ở dọc các trục đường chính, trung tâm thương mại thì kiểm tra thêm các thủ tục pháp lý, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Kiểm soát thị trường trung thu, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng Hà Tĩnh

... và thủ tục pháp lý.

Qua công tác kiểm tra hàng hóa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, đến thời điểm này, lực lượng QLTT chưa phát hiện hành vi vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng phục vụ trung thu. Các đội sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hàng hóa lưu thông tại địa bàn phụ trách đến sau Tết Trung thu.

“Sau trung thu, chúng tôi sẽ chú ý kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo được bán giảm giá, khuyến mãi hoặc tái sử dụng để sản xuất các sản phẩm khác. Nếu phát hiện thì kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng” – Phó Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Đình Khoa cho biết thêm.

Trong tháng 8/2020, Cục QLTT Hà Tĩnh đã kiểm tra, xử lý 140 vụ vi phạm gian lận thương mại. Trị giá hàng hóa và tiền xử phạt 493 triệu đồng, trong đó, xử phạt hành chính hơn 317 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 176 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu trên lĩnh vực kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả nhãn hiệu; vi phạm trong lĩnh vực giá, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm…

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast