Vị trí của hai hố đen trong dải Ngân Hà. Ảnh: ESA
Hai hố đen phát hiện gần đây nằm rất gần Trái Đất và có thể đại diện cho một nhóm vật thể khổng lồ bí ẩn chưa từng biết tới trước đây. Một nhóm nhà thiên văn học quốc tế phát hiện hố đen nhờ dữ liệu từ nhiệm vụ Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) kết hợp với hàng loạt kính viễn vọng mặt đất trên khắp thế giới. Họ công bố nghiên cứu trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, Live Science hôm 4/4 đưa tin.
Mang tên Gaia BH1 và Gaia BH2, hai hố đen nằm gần Trái Đất nhất so với bất kỳ hố đen nào từng phát hiện từ trước tới nay, theo ESA. Gaia BH1 ở cách hệ Mặt Trời 1.560 năm ánh sáng, về phía chòm sao Ophiuchus, gần hơn 3 lần so với kỷ lục trước đó của hố đen A0620-00. Gaia BH2 nằm cách 3.800 năm ánh sáng về phía chòm sao Centaurus. Cả hai hố đen đều lớn gấp khoảng 9 - 10 lần Mặt Trời và nằm bên trong dải Ngân Hà.
Các nhà thiên văn học mất nhiều thời gian để phát hiện hố đen lớn như vậy do chúng gần như vô hình. Trong quá khứ, giới khoa học tìm kiếm hố đen bằng cách xem xét tàn tích từ bữa ăn mới nhất của chúng. Khi một ngôi sao hoặc đám mây khí liên sao rơi vào hố đen, chúng để lại chớp bức xạ điện từ. Nhờ đó, nhà thiên văn học có thể phát hiện sự tồn tại của hố đen, theo NASA.
Nhưng không giống những phát hiện trước đây, Gaia BH1 và 2 hoàn toàn tối đen. Chúng dường như không ăn bất cứ thứ gì ở hiện tại và im lìm bất động. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu tìm thấy hố đen bằng cách theo dõi cẩn thận chuyển động của hai ngôi sao giống Mặt Trời quay quanh chúng. Các ngôi sao dao động nhẹ khi di chuyển qua không gian, chứng tỏ có thứ gì đó với lực hấp dẫn mạnh đang hút chúng. Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra khu vực bằng kính viễn vọng, họ không thể xác định bất cứ thứ gì phát ra bức xạ. Cách giải thích duy nhất là có hố đen tồn tại.
Dù hai hệ thống hố đen đều được phát hiện vào cuối năm 2022, nhóm thiên văn học bắt đầu đánh giá cao tính độc đáo của chúng. Nghiên cứu mới chỉ ra không giống hệ nhị phân tia X, cặp sao - hố đen quay rất gần quanh nhau, phát ra tia X và bức xạ sóng vô tuyến, Gaia BH1 và Gaia BH2 nhiều khả năng đại diện cho nhóm hố đen chưa từng thấy trước đây. Chúng nằm cách xa ngôi sao đồng hành, theo Kareem El-Badry, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian. Nhóm nghiên cứu hy vọng đợt gửi dữ liệu tiếp theo của Gaia vào năm 2025 sẽ giúp tìm ra nhiều hố đen im lìm hơn và cách chúng hình thành.