Theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí PhytoKeys hôm 22/6, loài cây nắp ấm mới - được đặt tên là Nepenthes pudica - sống trên hòn đảo Borneo ở tỉnh North Kalimantan của Indonesia.
Thông thường, cây nắp ấm tạo ra những chiếc bẫy hình ống với bề mặt trơn trượt ở phía trên mặt đất hoặc trên cây, khiến bất kỳ loài côn trùng nào không may đi vào trong đó khó có thể trèo ra ngoài. Cuối cùng, con mồi mắc kẹt sẽ bị chết và hòa tan trong dịch tiêu hóa ở đáy ống.
“Tuy nhiên, Nepenthes pudica khác hẳn với tất cả các loài cây nắp ấm đã biết”, nhà thực vật học Martin Dančák tại Đại học Palacký Olomouc ở Cộng hòa Czech, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. “Nó đặt những chiếc bẫy dài tới 11 cm dưới lòng đất, nơi chúng được hình thành trực tiếp trong đất hoặc trong các hang hốc, và bẫy động vật sống dưới lòng đất, thường là kiến, ve và bọ cánh cứng”.
Đây là lần đầu tiên một loài cây nắp ấm được quan sát thấy có cách săn mồi như vậy và có vẻ như điều đó đã mang lại cho nó lợi thế tiến hóa.
Những chiếc bẫy bắt mồi của Nepenthes pudica hình thành trực tiếp trong đất hoặc bên trong các hang hốc dưới lòng đất. Ảnh: Martin Dančák
“Chiến lược sống của Nepenthes pudica có thể được coi là một sự thích nghi tiến hóa có lợi. Vì thực vật ăn thịt phụ thuộc nhiều vào con mồi để cung cấp các chất dinh dưỡng hữu cơ cần thiết cho sự phát triển và sinh sản, áp lực chọn lọc tự nhiên có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm liên quan đến bắt mồi. Do đó, việc đặt bẫy dưới lòng đất sẽ giúp chúng tránh sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loài ăn thịt khác, cũng như những hạn chế về môi trường có thể xảy ra trong rừng”, nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo.
Một điều thú vị khác là dù săn mồi dưới lòng đất, Nepenthes pudica lại sống trên môi trường núi cao cách mực nước biển khoảng 1.100 - 1.300m.
“Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng các hốc ngầm có điều kiện môi trường ổn định hơn, bao gồm cả độ ẩm và có lẽ cũng có nhiều con mồi tiềm năng hơn trong thời kỳ khô hạn”, đồng tác giả của nghiên cứu Michal Golos, nhà sinh học thực vật tại Đại học Bristol của Anh, nói thêm.
Khám phá mới có ý nghĩa đối với nỗ lực bảo tồn thiên nhiên ở Borneo vì nó khẳng định tầm quan trọng của hòn đảo như một điểm nóng đa dạng sinh học trên thế giới.
“Chúng tôi hy vọng rằng việc phát hiện ra loài thực vật ăn thịt độc đáo này có thể giúp bảo vệ rừng nhiệt đới Borneo, ít nhất là làm chậm quá trình chuyển đổi rừng nguyên sinh thành các đồn điền cọ dầu”, Wewin Tjiasmanto, người đã giúp phát hiện ra loài mới, nhấn mạnh.