Theo lời ông S. Mishra, việc nâng cấp tầm bắn của tên lửa BrahMos được thực hiện theo thỏa thuận trong cuội hội đàm thượng đỉnh song phương Nga-Ấn tại Goa năm 2016. Hiện tại, phiên bản tên lửa BrahMos tiêu chuẩn có tầm bắn 290km để tuân thủ quy định quốc tế về chuyển giao công nghệ tên lửa.
Hồi tháng 6-2016, lãnh đạo BrahMos Aerospace, Praveen Pathak cho biết, Nga và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận phát triển thế hệ tên lửa BrahMos mới tới năm 2022. Nguyên mẫu của tên lửa BrahMos mới sẽ ra mắt vào năm 2024.
Đạn tên lửa BrahMos / DefenseTalk.
Phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks (Yankhont) của Nga, BrahMos có thể đạt tốc độ từ Mach 2,5 tới 2,8 (Mach – tốc độ âm thanh) và tầm hoạt động đạt 280km.
BrahMos có thể tiêu diệt mục tiêu với đầu nổ nặng 200kg. Việc ngăn chặn loại tên lửa nhanh nhất thế giới này là rất khó khăn do tốc độ và các chế độ bay phức tạp của nó. Nga và Ấn Độ đang phát triển phiên bản BrahMos phiên bản nâng cấp với tốc độ bay có thể đạt Mach 5.
Cả Nga và Ấn Độ đều "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu tổ hợp vũ khí này sang nước thứ 3. Giá thành chuyển giao mỗi tổ hợp vũ khí này sang nước thứ 3 được định giá vào khoảng 3 triệu USD. Hiện, nhiều quốc gia đang quan tâm tới khả năng sở hữu tên lửa BrahMos, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á.
Giới chuyên gia đánh giá, tên lửa BrahMos rất thích hợp với các quốc gia đang sở hữu máy bay chiến đấu Su-30/Su-30MK cho nhiệm vụ đối hải, đối đất. Ngoài ra, dòng tên lửa liên doanh Nga-Ấn này còn có thể dễ dàng tích hợp vào các tổ hợp tên lửa bờ đối hải như Bastion do có cấu hình đạn tên lửa tương tự như P-800 Yankhont.
Hiện chưa rõ, Nga và Ấn Độ có dự định xuất khẩu phiên bản mới của tên lửa BrahMos hay không.