Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) là một bối cảnh lý tưởng để thực hiện những tác phẩm điện ảnh, truyền hình.
Hút khách nhờ bối cảnh phim
Vừa qua, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh tổ chức đoàn tham quan, khảo sát mô hình du lịch tại 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định. Với mong muốn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm cách xây dựng, vận hành các mô hình, sản phẩm du lịch thành công của tỉnh bạn, đoàn đã tham quan khảo sát nhiều địa điểm nổi tiếng, trong đó có các điểm đến từng là bối cảnh của bộ phim điện ảnh hút khách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ.
Anh Cao Thái Hoàng - hướng dẫn viên được Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên giao dẫn đoàn khảo sát cho biết: “Kể từ năm 2015, sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ công chiếu, sức hút du khách đến các điểm đến tại Phú Yên ngày càng tăng. Không chỉ thu hút du khách mà có những những điểm trước đây chỉ là một bãi cỏ, đồng hoang nay đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm du lịch hấp dẫn".
Đoàn công tác ngành Du lịch Hà Tĩnh tham quan, khảo sát tại thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện (TP Tuy Hòa, Phú Yên) dịp giữa tháng 11/2023.
Theo Sở VH-TT&DL Phú Yên, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh này năm 2013 đạt 703 nghìn lượt, đến năm 2018 đạt gần 1,6 triệu lượt và 11 tháng năm 2023 đạt gần 3 triệu lượt. Đạt được những thành công đó là nhờ ngành Du lịch Phú Yên không ngừng tìm những hướng đi mới để phát triển, một trong số đó là “tận dụng” hiệu ứng từ bộ phim chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào tăng cường quảng bá hình ảnh, xây dựng các sản phẩm điểm thu hút du khách.
Trường hợp của Phú Yên không phải là duy nhất trong việc quảng bá du lịch thông qua tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Còn nhớ sau bộ phim “Kong: Skull Island” do Hollywood sản xuất ra rạp, các địa điểm quay phim ở Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình cũng đã trở thành điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách. Đặc biệt, bộ phim còn quảng bá tới du khách quốc tế các danh thắng như: Tràng An (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Bãi Xép (Phú Yên) một điểm đến thu hút du khách nhờ xuất hiện trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Thực tế ở nhiều nước, thông qua điện ảnh, các điểm du lịch cũng đã trở nên nổi tiếng hơn. Tiêu biểu như: đảo Jeju, ngôi làng thuộc huyện Taean, tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc) qua các bộ phim “Bản tình ca mùa đông”, “Hạ cánh nơi anh”; hay gần đây bối cảnh Lệ Giang cổ trấn của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trở thành điểm đến hấp dẫn du khách châu Á nhờ bộ phim “Đi đến nơi có gió”...
Hà Tĩnh - mảnh đất màu mỡ của phim trường
So với nhiều địa phương trong nước, Hà Tĩnh có nhiều di tích, danh thắng không thua kém tỉnh bạn. Thậm chí, với sự đa dạng về địa lý, khí hậu tự nhiên, sông ngòi, bãi biển..., nhiều điểm đến ở Hà Tĩnh còn đẹp hơn cả nhiều cảnh quay trong các bộ phim nổi tiếng, được khán giả yêu thích. Tiêu biểu về bối cảnh thiên nhiên núi rừng, sông nước hùng vĩ, chúng ta có Vườn quốc gia Vũ Quang, hồ Kẻ Gỗ. Về cảnh sắc dọc theo bờ biển dài 137km, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm từ hoang sơ bãi đá đến hiện đại thoai thoải cát mịn nước trong, nhiều làng chài cổ. Về danh lam thắng cảnh, có núi Hồng Lĩnh với chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc...
Vẻ đẹp của dòng sông Ngàn Phố (Hương Sơn).
Anh Nguyễn Trung Đức - Giám đốc Công ty TNHH Hello Trip Việt Nam, thành viên đoàn Hà Tĩnh tham quan khảo sát du lịch các tỉnh Phú Yên, Bình Định vừa qua, cho biết: “Nói về vẻ đẹp, sự độc đáo của cảnh quan thì các bối cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có thể tìm thấy ở Hà Tĩnh khá nhiều. Thậm chí bãi biển Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), bãi Lài - Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) còn đẹp hơn, độc đáo hơn nhiều những cảnh quay chúng ta thấy trong các bộ phim nói trên. Tuy nhiên, cái chúng ta thiếu là một câu chuyện gắn vào cảnh quan đó. Sở dĩ Phú Yên làm được là họ biết tận dụng cơ hội để quảng bá cũng như xây dựng sản phẩm du lịch từ sau thành công của bộ phim".
Trên thực tế, với nhiều cảnh quan đa dạng từ rừng tới biển, nhiều địa chỉ lịch sử, Hà Tĩnh từng là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng hay được nhiều khán giả quan tâm như: Ngã ba Đồng Lộc, Rừng chắn cát, Tu hú lạc bầy, Bình minh đỏ, Đại thi hào Nguyễn Du...
Một cảnh quay trong phim “Đại thi hào Nguyễn Du” được thực hiện tại phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh).
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, người nổi tiếng với những bộ phim tạo sức nóng trên giờ vàng VTV như: Người phán xử, Hương vị tình thân... từng có 2 bộ phim chọn cảnh quay ở Hà Tĩnh tạo được tiếng vang là: Rừng chắn cát (2011) và Tu hú lạc bầy (2013). Ông từng chia sẻ, Hà Tĩnh có nhiều bối cảnh đẹp và lúc nào ông cũng mong muốn có kịch bản phù hợp để về đây quay phim.
Còn Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng, người thực hiện phim Đại thi hào Nguyễn Du thì cho rằng, người dân Hà Tĩnh chất phác và luôn nhiệt tình luôn hỗ trợ đoàn phim trong quá trình thực hiện. Bên cạnh cảnh đẹp thì việc tìm kiếm diễn viên quần chúng rất dễ, bởi Hà Tĩnh có rất nhiều CLB dân ca ví, giặm, nhiều người quen với diễn xuất...
Toàn cảnh làng chài Cẩm Nhượng và Khu du lịch Thiên Cầm nhìn từ trên cao. Ảnh: Hương Thành.
Mặc dù nhiều tiềm năng và cũng đã có nhiều đoàn phim chọn Hà Tĩnh làm bối cảnh trong những bộ phim có tiếng vang nhưng sau những bộ phim này, các cấp, ngành, địa phương chưa có sự quan tâm quảng bá hình ảnh địa phương với mục đích phát triển du lịch. Điển hình như bộ phim “Rừng chắn cát” phát trên giờ vàng VTV1 năm 2011, ngoài chuyện phim hấp dẫn, khán giả vẫn ấn tượng với khung cảnh ở Truông Vùn - xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Nếu có sự nhạy bén về phát triển du lịch thì sau khi bộ phim phát sóng, địa điểm này cũng có thể xây dựng thành một điểm đến hấp dẫn.
Đồi cát ở Thịnh Lộc (Lộc Hà) nơi đoàn làm phim “Rừng chắn cát” đã chọn làm phim trường.
Để tận dụng quảng bá du lịch qua điện ảnh, điều đầu tiên là phải mời được các đoàn phim đến với quê hương núi Hồng, sông La. Thực hiện được điều đó cần có những chính sách thu hút cụ thể. Về điều này, nhiều tỉnh, thành phố trong nước đã thực hiện. Đơn cử như tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 do TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đăng cai tổ chức vừa diễn ra cách đây ít ngày, tỉnh đã có hẳn một chương trình giới thiệu về cảnh quan cùng những chính sách mời các đoàn làm phim đến quay tại thành phố sương mù. Ngoài ra, lần đầu tiên tại một liên hoan phim Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng đã dành 1 hạng mục giải thưởng cho bộ phim có cảnh quay xuất sắc thực hiện tại địa phương là “Em và Trịnh”.
Khung cảnh thanh bình, yên ả ở làng quê xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn). Ảnh: Đậu Bình.
Ông Thái Văn Sinh - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ: “Quảng bá du lịch bằng điện ảnh là một xu hướng phổ biến, hữu hiệu hiện nay trên thế giới. Với một tài nguyên thiên nhiên thơ mộng đủ loại hình núi, rừng, sông, suối, thác, biển, hồ... cùng nhiều trầm tích văn hoá thì rõ ràng quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là một hướng đi tất yếu của du lịch Hà Tĩnh. Khi đã xem đây là một hướng đi có tính chiến lược thì cần có các chính sách đặc thù với các đoàn làm phim để mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ tác nghiệp.
Bên cạnh việc hỗ trợ các điều kiện vật chất, một điều rất quan trọng là phải cử những người hiểu biết sâu về danh thắng trên địa bàn đi cùng các đoàn làm phim để chọn được những bối cảnh phim có giá trị quảng bá hình ảnh tốt nhất. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cần có sự kết nối và quan tâm đặc biệt với các đạo diễn, đoàn làm phim, nhà sản xuất có tầm cỡ. Phải có quan điểm rằng quảng bá du lịch bằng phim ảnh rẻ hơn, hiệu quả hơn nhiều so với các loại hình quảng bá khác khi chúng ta làm việc với các đoàn làm phim”.
Một bối cảnh phim “Đại thi hào Nguyễn Du” được thực hiện ở Nghi Xuân.
Hà Tĩnh có đầy đủ yếu tố, tiềm năng để trở thành một phim trường cho những bộ phim hấp dẫn, qua đó nhằm quảng bá du lịch địa phương. Tuy nhiên, điều cần và đủ là sự quyết tâm cùng những chủ trương, chính sách phù hợp, chọn lọc để biến tiềm năng thành hiện thực.