Sáng 29/3, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu chủ trì buổi làm việc về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng.
Theo báo cáo, thời gian qua, UBND thành phố đã thường xuyên quan tâm, chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái; ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 17/8/2021 về phát triển nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025.
Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích từ 75 triệu/ha năm 2020 lên 90 triệu/ha năm 2023; giai đoạn 2021-2023 thành lập mới 21 HTX, trong đó có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thành phố cũng xây dựng được 16 mô hình nông nghiệp gắn với việc đưa các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất; 4 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau quả theo các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ. Tổng diện tích đất tích tụ, tập trung đạt 182,2 ha, trong đó diện tích thực hiện tích tụ bằng hình thức thuê lại quyền sử dụng đất đạt 81,5 ha.
Đối với công tác kiểm soát giết mổ, thành phố đang duy trì hoạt động của 3 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thường xuyên kiểm tra hoạt động giết mổ và kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật trên địa bàn.
Thành phố cũng cũng tăng cường giám sát cơ sở, phối hợp Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu cảnh báo dịch đầu vụ tại các vùng nuôi trọng điểm; kiểm tra môi trường, tư vấn cải tạo ao hồ để chuẩn bị bước vào vụ nuôi chính xuân - hè.
Ngoài ra, các xã, phường đã tổ chức thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm và tích cực triển khai công tác tiêm phòng vắc - xin đợt 1 năm 2024.
Hiện TP Hà Tĩnh có 5/5 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 100%); 3/5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 60%); 34/45 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 75,6%). Lũy kế đến nay, TP Hà Tĩnh đã có 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích một số tồn tại, khó khăn như: hệ thống thú y cơ sở chưa được kiện toàn và thống nhất; việc kiểm soát giết mổ gia cầm tại nhà gặp nhiều khó khăn do đối tượng gia cầm nhỏ và thói quen của người dân; việc cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê nhiều nơi chưa được thực hiện ảnh hướng đến công tác quản lý, giải quyết tranh chấp; hệ thống cấp nước sản xuất đã cũ, không còn phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển; diện tích đất sản xuất bỏ hoang lớn;...
TP Hà Tĩnh kiến nghị Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ thành phố xây dựng công viên nông nghiệp Đồng Ghè; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn; có chương trình, chính sách lồng ghép để phủ xanh rừng ngập mặn gắn với gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm; có đề án nuôi trồng thử nghiệm các loại thủy sản phù hợp để tận dụng tiềm năng của vùng đất mặn lợ; phối hợp nghiên cứu, phát triển các cơ sở sản xuất giống, cơ sở chế biến sâu sản phẩm để phát huy giá trị của các đối tượng tiềm năng như cua biển, cua lông, cáy, rạm, rươi...
UBND thành phố đề xuất Sở NN&PTNT hỗ trợ, hướng dẫn thí điểm xây dựng các điểm giết mổ gia cầm tại các chợ hoặc tại hộ gia đình đảm bảo về không gian, môi trường; sớm kiện toàn hệ thống thú y cơ sở theo hướng ngành dọc quản lý; có chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ; tham mưu UBND tỉnh phân cấp hệ thống kênh N1-9 và các tuyến sau kênh về cho TP quản lý, đầu tư, nâng cấp; đánh giá lại vai trò, tác động của Bara Đò Điểm.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Hiếu ghi nhận, đánh giá cao công tác phối hợp, hỗ trợ của Sở NN&PTNT đối với địa phương trong thời gian qua.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, quy mô TP Hà Tĩnh sẽ được điều chỉnh mở rộng thêm 14 xã giáp ranh liền kề thuộc 3 huyện (Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà), vì thế, UBND thành phố mong muốn Sở NN&PTNT tiếp tục đồng hành với địa phương trong công tác quản lý nhà nước, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đô thị theo hướng đa giá trị, xây dựng NTM bền vững.