Cẩm Xuyên hiện có: 48 km sông và đê biển, 3 hồ chứa nước lớn, 1 cửa biển Cẩm Nhượng, 8 xã, thị trấn là vùng ven biển và vùng thấp trũng của hồ Kẻ Gỗ và sông Rác. Hằng năm, người dân nơi đây phải gánh chịu 2-3 cơn áp thấp và bão lớn gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Để chủ động PCLB trong năm 2010, UBND huyện đã xác định rõ vùng trọng điểm. Đó là tuyến đê Phúc -Long- Nhượng, tuyến đê Hà - Lộc - Thịnh, 8 xã vùng hạ du Kẻ Gỗ, sông Rác và các xã vùng thấp trũng cửa sông, cửa lạch, ven biển…
Công nhân Công ty Thủy nông Kẻ Gỗ nạo vét kênh N1 đoạn qua xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) phục vụ sản xuất. |
Đến nay (18/8/2010), các xã trên đều đã có phương án chi tiết cho việc kê gác tài sản, sơ tán dân khi có lệnh với phương châm: Tự cứu mình là chính. Ông Trần Văn Thiền -Phó phòng NN &PTNT huyện cho biết: Huyện đã hợp đồng về mặt nguyên tắc phương tiện đủ theo chỉ tiêu của tỉnh giao, gồm: 16 ô tô tải, 3 xe khách, 10 thuyền máy, 3 máy ủi, 2 xuồng cao tốc. Một số công trình đê, kè trên địa bàn đã và đang được gấp rút hoàn thành trước mùa mưa bão như: Dự án khắc phục Kè Thiên Cầm, Kè sông Hội dài 1,6 km, đê Cẩm Trung dài 1,1 km, Kè Cẩm Nhượng 1 km, đường hộ đê từ QL1A đi đê Cẩm Lộc. Các tuyến đê Cẩm Lộc, đê Phúc - Long - Nhượng cũng đang được các địa phương bỏ nhiều ngày công để tu sửa lại. Hệ thống thông tin liên lạc, nhất là liên lạc với các tàu thuyền trên biển đang được tổ chức rà soát để đảm bảo hoạt động tốt khi có lệnh. Các cụm PCLB của huyện đang tiếp tục kiểm tra lại các cơ sở hạ tầng, nhất là phương án chi tiết, cụ thể của các đơn vị để hoạt động có hiệu quả khi có lụt bão. Và dự kiến thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với cơ quan quân sự tổ chức diễn tập PCLB, sơ tán dân ở 2 xã Cẩm Lộc và Cẩm Nhượng.
Có thể nói rằng, trong điều kiện và khả năng hiện có của mình, Cẩm Xuyên cũng đã và đang cố gắng nhằm đối phó đạt hiệu quả cao nhất khi có lụt bão tràn về. Đây là sự cố gắng đáng ghi nhận của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân huyện. Tuy nhiên, do các tuyến đê đã xuống cấp, cao trình thấp mà chưa có vốn để đầu tư nâng cấp…nên dù chủ động trong khâu chuẩn bị mà nỗi lo vẫn còn. Thực tế cho thấy, trong 48 km đê trên địa bàn huyện, đến nay mới chỉ có 5 km được kiên cố hoá, số còn lại đều trong tình trạng đã xuống cấp, không an toàn hoặc mới được vá víu tạm. Đi trên các tuyến đê Phúc -Long- Nhượng dài 14 km, tuyến đê Hà - Lộc - Thịnh dài 8 km…không khó nhận ra nhiều đoạn khó đứng vững trước mưa bão lớn. Các địa phương có những tuyến đê này đi qua dù đã được chỉ đạo chuẩn bị các loại vật tư như bao bì, đá hộc, đất cát…để xử lí ngay khi có sự cố xẩy ra nhưng chắc chắn sẽ không đạt kết quả cao. Khi tiếp xúc, người dân ở những đoạn đê yếu, cao trình thấp đều tỏ ra lo lắng và cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay nếu có mưa to gió lớn thì tốt nhất là chọn phương án di dời đi nơi khác để bảo toàn tính mạng.
Người dân các xã ven biển, cửa sông, cửa lạch…dù đã quá quen với bão tố vẫn không an tâm khi các công trình, cơ sở vật chất để đối phó với lụt bão đang quá bất cấp, thiếu thốn…