Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được ban hành kèm theo quyết định của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ chỉ thi bắt buộc đối với 2 môn là Ngữ văn và Toán. Kèm theo đó là 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Vì vậy, môn Ngoại ngữ (trong đó có Tiếng Anh) kể từ kỳ thi THPT năm 2025 sẽ không còn là môn thi bắt buộc như các kỳ thi trước.
Ngay sau khi có quyết định của Bộ GD&ĐT, ở nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp đã giảm đáng kể. Tại Trường THPT THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà), năm nay có hơn 400 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có khoảng 100 em lựa chọn môn Tiếng Anh cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Lý giải về vấn đề này, thầy Lê Hồng Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Môn Tiếng Anh được xem là môn học khó, thiên về năng khiếu, trong khi với học sinh vùng nông thôn, đây không phải là thế mạnh của các em. Chính vì thế, những học sinh lựa chọn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là những em xét tuyển vào đại học ở các khối A1, khối D... hoặc một số em có nhu cầu đi du học, đi xuất khẩu lao động, có ý định đi làm việc ở các công ty nước ngoài”.
Bên cạnh những học sinh có nguyện vọng chỉ thi tốt nghiệp không chọn Tiếng Anh bởi các em muốn một sự lựa chọn an toàn, thì Tiếng Anh cũng không là lựa chọn của các thí sinh có nguyện vọng thi đại học nhưng khối thi không có bộ môn ngoại ngữ. Tại lớp 12A Trường THPT Lê Quý Đôn, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Văn, hầu hết học sinh đều chọn các môn tự nhiên như Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học.
Em Lê Viết Mạnh – lớp 12A Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Dự định thi khối A nên ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, em đã lựa chọn Hóa học và Vật Lý để đăng ký dự thi môn tự chọn. Điều đó sẽ thuận lợi cho em trong việc xét tốt nghiệp cũng như để đăng ký vào đại học”.
Tại Trường THPT Nghi Xuân, năm nay có 329 học sinh khối 12, nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn trường có hơn 70 em lựa chọn môn Tiếng Anh cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cô Phan Thị Lê Thu – Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh Trường THPT Nghi Xuân cho biết: “Học sinh của trường không có nhiều điều kiện để học Tiếng Anh như các vùng thuận lợi khác. Thêm vào đó, đề thi tham khảo môn Tiếng Anh từ năm 2025 có sự thay đổi đáng kể về cấu trúc và dạng thức của các câu hỏi. Đặc biệt, phần thông hiểu, nội dung kiểm tra các kiến thức ngữ pháp và từ vựng không còn xuất hiện câu hỏi ngắn mà được lồng ghép vào các dạng bài đọc hiểu. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực tư duy tốt".
Tại Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê), năm nay toàn trường có 40/205 học sinh lớp 12 đăng ký lựa chọn môn Tiếng Anh cho kỳ thi tốt nghiệp. Theo thầy Phan Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê: “Việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp của các em liên quan đến định hướng nghề nghiệp, đó cũng là lý do số học sinh lựa chọn bộ môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhiều”.
Tiếng Anh từ môn bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã trở thành môn tự chọn, đây là lý do nhiều học sinh 12 đã không còn mặn mà với bộ môn này. Điều đó thể hiện rõ nét ở số lượng đăng ký ban đầu tại các nhà trường. Vấn đề này đã phản ánh một thực tế, lâu nay, các học sinh thường “thi gì học nấy” và nếu không thi Tiếng Anh, rất dễ xảy ra tình trạng một thế hệ học sinh sẽ “bỏ bê” môn học này. Đây cũng là nỗi lo chung của cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh.