3 lao động từ Thái Lan về mắc sốt xuất huyết, Hà Tĩnh ráo riết phòng dịch!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh vừa ghi nhận 3 trường hợp sốt xuất huyết (SXH) dương tính với vi rút Deague. Cả 3 bệnh nhân mắc SXH đều từ Thái Lan về. Dù thời điểm này tại Hà Tĩnh không phải là mùa dịch SXH nhưng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch rất lớn.

3 lao động từ Thái Lan về mắc sốt xuất huyết, Hà Tĩnh ráo riết phòng dịch!

Bệnh nhân mắc SXH được cách ly theo dõi, chăm sóc và điều trị tại BVĐK huyện Hương Sơn

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh, trong 3 người vừa mắc SXH thì 1 trường hợp ở huyện Cẩm Xuyên đã khỏi bệnh, 2 trường hợp tại huyện Hương Sơn hiện đang được chăm sóc, điều trị tại BVĐK huyện Hương Sơn.

Bệnh nhân Lê Minh Đức (xóm Ngọc Sơn, xã Sơn Tiến, Hương Sơn), một trong 2 bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK Hương Sơn chia sẻ: "Hai đứa em (cả bệnh nhân giường cạnh) đều từ Thái Lan về. Chúng em cùng làm việc bên đó và cùng ở với nhau. Ở chỗ chúng em làm đang có nhiều người mắc SXH. Trước khi về Việt Nam, sức khỏe chúng em vẫn bình thường, tuy nhiên khi về đến nhà thì có biểu hiện sốt cao 38 đến 40 độ. Em có mua thuốc hạ sốt về uống nhưng vẫn không đỡ, người mệt mỏi, chán ăn. Đi khám mới biết là bị SXH. Em nhập bệnh viện được 4 ngày rồi, sức khỏe đã dần hồi phúc. Bác sỹ điều trị nói vài ngày nữa có thể xuất viện"…

Bác sĩ Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn cho biết: Sau khi biết thông tin về 2 bệnh nhân nghi bệnh nhân mắc SXH, đơn vị đã cử cán bộ điều tra, giám sát bệnh nhân, đồng thời lấy mẫu gửi Trung tâm YTDP tỉnh xét nghiệm, điều tra giám sát véc-tơ và phối hợp với bệnh viện huyện cách ly điều trị bệnh nhân theo đúng quy định. Trung tâm YTDP huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy; trực dịch, giám sát theo quy định; phun hóa chất diệt muỗi… tập trung mọi giải pháp không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.

3 lao động từ Thái Lan về mắc sốt xuất huyết, Hà Tĩnh ráo riết phòng dịch!

Cán bộ Trung tâm YTDP tỉnh và huyện điều tra, giám sát chỉ số véc-tơ bọ gậy

Bác sỹ Thành cho biết thêm, huyện Hương Sơn có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nên người dân đi lại làm ăn, buôn bán từ nhiều địa phương khác và Lào, Thái Lan đều đổ về đây. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn rất chủ quan trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, do vậy công tác phòng, chống bệnh dịch luôn được quan tâm với ý thức không chủ quan, lơ là.

Mùa dịch SXH tại Hà Tĩnh thường diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11, nhưng năm nay, tại thời điểm này đã xuất hiện 3 trường hợp dương tính với vi rút Deague. Theo Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Nguyễn Chí Thanh, ngay sau khi có thông báo từ tuyến dưới, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phòng chống dịch. Mặc dù bệnh nhân mắc rải rác, vãng lai nhưng vẫn xem đây như là một ổ dịch và thực hiện các phương pháp phòng, chống như một ổ dịch.

Bên cạnh đó, hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH 15/6, Trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị YTDP tuyến huyện đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng; tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống SXH.

3 lao động từ Thái Lan về mắc sốt xuất huyết, Hà Tĩnh ráo riết phòng dịch!

Phun hóa chất diệt muỗi tại thôn có bệnh nhân mắc SXH

Thời gian tới, với khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh; trong khi đó một số vùng điều kiện vệ sinh, môi trường phức tạp; người dân vẫn có tập quán tích trữ nước sinh hoạt, tưới cây, cho gia súc, gia cầm uống; không thau rửa, che đậy các bể chứa nước mưa; một số người dân vẫn có thói quen tích trữ các vật dụng chứa nước như ve chai, võ dừa… tạo môi trường sinh sản và truyền bệnh của muỗi.

SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng chưa được sử dụng. Bác sĩ Thanh khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện các biện pháp: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 4 trường hợp SXH tử vong tại tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017 tình hình bệnh SXH giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast