Dịch sốt xuất huyết ở Kỳ Long nguy cơ lan rộng

(Baohatinh.vn) - Đến ngày 29/9, tại tổ dân phố Long Thành, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã ghi nhận 7 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp dương tính, 2 trường hợp nghi ngờ.

Bệnh nhân đầu tiên là chị Võ Thị Vân (47 tuổi) khởi phát bệnh vào ngày 15/9/2017 với các biểu hiện sốt cao 39oC, đau đầu, chán ăn; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Bệnh nhân được điều trị tại trạm Y tế và hiện đã xuất viện.

dich sot xuat huyet o ky long nguy co lan rong

Chị Võ Thị Vân là bệnh nhân sốt xuất huyết đầu tiên của tổ dân phố Long Thành và hiện đã xuất viện

Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện thêm 6 bệnh nhân có các biểu hiện tương tự, trong đó có con gái và con rể chị Vân.

Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh đã phối hợp với Trạm Y tế phường Kỳ Long điều tra lấy mẫu xét nghiệm với kết quả có 4 trường hợp dương tính, 2 bệnh nhân đang chờ kết quả và đang được theo dõi điều trị sốt xuất huyết.

dich sot xuat huyet o ky long nguy co lan rong
dich sot xuat huyet o ky long nguy co lan rong

Hàng trăm chiếc lốp chứa nước mưa và bọ gậy của một doanh nghiệp trên địa bàn chưa được xử lý

Trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại tổ dân phố Long Thành lây lan sang các địa bàn khác, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch như: đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết và cách phòng tránh; phát động tổ chức vệ sinh môi trường; diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại 47 hộ dân; tăng cường tổ chức giám sát bệnh nhân...

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhưng nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại đây là rất lớn. Theo Bác sỹ Nguyễn Quốc Trị - Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh: Vấn đề khó khăn nhất tại đây là xử lý môi trường. Sau bão, đồ phế thải, lốp xe và các vật dụng chứa nước rất nhiều, thời tiết lại mưa nắng thất thường là những điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển. Dù cán bộ y tế đi giám sát véc tơ, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, lật úp các vật dụng chứa nước, nhưng vài hôm sau quay lại thì các vật dụng lại đầy nước và bọ gậy.

dich sot xuat huyet o ky long nguy co lan rong

Việc thu gom rác thải, lật úp các vật chứa nước rất quan trọng trong phòng chống sốt xuất huyết

"Sau bão, người dân tập trung thu dọn, sửa sang nhà cửa nên còn lơ là trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Hệ thống loa truyền thanh bị hỏng toàn bộ do bão số 10 nên cán bộ y tế phải đi từng nhà để tuyên truyền, rất khó khăn... Sợ nhất là dịch lan sang các tổ dân phố khác khi ở tổ dân phố Liên Giang liền kề cũng có tỷ lệ bọ gậy rất cao", Bác sỹ Trị cho biết thêm.

Theo Bác sỹ Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế, qua kiểm tra dịch tại tổ dân phố Long Thành - phường Kỳ Long và các địa bàn lân cận thấy tỷ lệ muỗi và bọ gậy rất cao. Ngành rất lo ngại trước những nguy cơ bùng phát dịch. Ngành đã giao Trạm Y tế phường làm nòng cốt trong giám sát, phát hiện, điều trị bệnh nhân; Trung tâm Y tế dự phòng thị xã lập tổ thường trực rà từng hộ dân và chịu trách nhiệm chuyên môn trong việc giám sát véc tơ và mở rộng diện giám sát vec tơ tại các địa bàn lân cận; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp hóa chất và cử cán bộ giám sát chặt chẽ tại địa bàn; Bệnh viện thị xã tiếp tục tập huấn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Với tinh thần chung là khoanh vùng dập dịch kip thời, không để dịch lây lan rộng, ngành Y tế cũng rất cần sự vào cuộc của người dân, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương.

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.