Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề thu hồi nợ

(Baohatinh.vn) - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Văn Kỳ đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh cần sớm kiện toàn bộ máy tổ chức; có phương án cụ thể, rõ ràng trong vấn đề thu hồi nợ của các dự án quỹ cho vay.

Chiều 19/10, Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) có buổi làm việc với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh về kết quả hoạt động trong thời gian qua và danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga chủ trì buổi làm việc. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng cùng dự.

Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề thu hồi nợ

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga chủ trì buổi làm việc.

Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về “Danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh để Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2017-2020”, đến nay Quỹ Đầu tư phát triển đã đầu tư trực tiếp dự án thí điểm nhà ở xã hội tại phường Thạch Linh (TP. Hà Tĩnh) và thẩm định cho vay 11 dự án, với tổng số tiền 552 tỷ đồng.

Các dự án Quỹ đầu tư và cho vay đều đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng các tiêu chí về quy hoạch, chất lượng, cảnh quan, môi trường nên đã mang lại hiệu quả lớn về mặt xã hội, góp phần phát triển, hiện đại hóa hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục, dịch vụ thương mại, bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề thu hồi nợ

Quyền Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh Phạm Thái Bình báo cáo kết quả hoạt động của Quỹ giai đoạn 2016-2020 và tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Đối với kết quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020: Nguồn vốn hoạt động của Quỹ tăng theo từng năm. Nếu năm 2016 là 406,6 tỷ đồng thì đến năm 2020 nguồn vốn hoạt động là 561,9 tỷ đồng. Doanh thu cao nhất là năm 2019 với 240,7 tỷ đồng, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu là 37,3 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp giai đoạn 2016-2020 là 118,1 tỷ đồng.

Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh thực hiện quản lý các quỹ nhận ủy thác, gồm: Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến cuối năm 2020, Quỹ Phát triển đất có tổng nguồn vốn là 337 tỷ đồng (thực hiện ứng vốn cho 19 dự án); Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp hỗ trợ ban đầu là 9,7 tỷ đồng hiện nguồn vốn trồng rừng thay thế là 33,3 tỷ đồng.

Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề thu hồi nợ

Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Trung: Trên toàn quốc, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động không hiệu quả. Đề nghị có lộ trình giải thể Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh còn một số khó khăn vướng mắc như: Vốn chủ sở hữu của Quỹ còn hạn chế; việc huy động vốn với lãi suất thấp gặp nhiều khó khăn; khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hành khách, giáo dục, chợ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Ngoài ra, đối với các quỹ nhận ủy thác, hầu hết nguồn vốn còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu ứng vốn đối với các dự án lớn; Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh chưa được cấp vốn để thực hiện nhiệm vụ. Riêng Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không hoạt động cấp bão lãnh do vướng mắc một số quy định pháp luật hiện hành.

Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề thu hồi nợ

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng: Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong đầu tư, trong đó cần đặc biệt quan tâm đầu tư các dự án trên lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà ở xã hội…; sớm kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động; có phương án cụ thể, rõ ràng trong vấn đề thu hồi nợ.

Từ những vướng mắc nêu trên, Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh đề nghị tỉnh cần kiến nghị với các bộ, ban, ngành Trung ương có chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với công trình đầu tư nhà ở xã hội; sớm sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập trong pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh làm rõ thêm một số vấn đề, cụ thể như: Phương án kiện toàn bộ máy tổ chức của Quỹ; hiệu quả cho vay các dự án từ các quỹ ủy thác; thứ tự, ưu tiên đầu tư các dự án; hiệu quả của dự án thí điểm nhà ở xã hội; công tác thực hiện và hiệu quả của Quỹ Bảo vệ môi trường, các quỹ ủy thác; việc trồng rừng thay thế tại các dự án sử dụng đất rừng; công tác quản lý Quỹ Phát triển đất gắn với phát triển quỹ đất ở các địa phương; thủ tục, căn cứ pháp lý, phương án xử lý các khoản nợ cần thu hồi; đánh giá, tổng kết hiệu quả của Nghị quyết số 49/NQ-HĐND…

Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề thu hồi nợ

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ phát biểu tại buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị đơn vị cần sớm kiện toàn bộ máy tổ chức; có phương án cụ thể, rõ ràng trong vấn đề thu hồi nợ của các dự án Quỹ cho vay. Sớm có giải pháp phù hợp để bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Phát triển đất; bổ sung vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường rừng.

Đề nghị các ngành liên quan hỗ trợ, phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Kịp thời hoàn thiện các nội dung, báo cáo, dự thảo nghị quyết trình HĐND tại kỳ họp thứ 3 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast