Sáng 14/7, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần chủ trì cuộc làm việc với Sở Nội vụ và Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh để thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đặt vấn đề mở đầu buổi làm việc.
Tại cuộc làm việc, đại diện Quỹ Đầu tư Phát triển Hà Tĩnh trình bày Tờ trình số 218-TTr/UBND ngày 23/6/201 về phương án cơ cấu lại Quỹ đầu tư phát triển Hà Tĩnh. Theo đó, việc cơ cấu lại Quỹ là cần thiết bởi Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất và Quỹ Bảo vệ môi trường có chung một Hội đồng quản lý (HĐQL) với số lượng 7 thành viên.
Đến nay, một số thành viên HĐQL nghỉ hưu theo chế độ, một số thành viên luân chuyển công tác, hiện còn 2 thành viên. Do đó, HĐQL không đủ điều kiện để hoạt động và thực hiện nhiệm vụ được giao.
Quyền Giám đốc Quỹ Đầu tư và Phát triển Hà Tĩnh Phạm Thái Bình báo cáo phương án cơ cấu lại Quỹ
Trong quá trình hoạt động, HĐQL Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh và các quỹ ủy thác (Quỹ Phát triển đất; Quỹ Bảo vệ môi trường) đang còn một số bất cập: Một số nội dung hoặc nghị quyết của Quỹ không thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý và trách nhiệm của thành viên HĐQL được phân công nhưng vẫn phải cho ý kiến và chịu trách nhiệm về nội dung và Nghị quyết mà HĐQL của quỹ đó đã thống nhất. Vì vậy, việc tách riêng HĐQL Quỹ Đầu tư phát triển và các quỹ ủy thác bảo đảm tính độc lập, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và ký kết hợp đồng ủy thác giữa Quỹ Đầu tư phát triển và các quỹ ủy thác.
Bên cạnh đó, HĐQL Quỹ Đầu tư phát triển và các quỹ ủy thác hiện không phù hợp với quy định khoản 1, Điều 10 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Việt Hà (thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh): Trong phương án cơ cấu lại Quỹ Đầu tư phát triển và các quỹ ủy thác cần làm rõ hơn sự cần thiết, cơ sở pháp lý của việc kiện toàn.
Tính từ năm 2016 đến nay, vốn hoạt động của Quỹ tăng 155,3 tỷ đồng (từ 406,6 tỷ năm 2016 lên 561,9 tỷ đồng năm 2020). Tổng doanh số cho vay (số đã giải ngân) là 258,4 tỷ đồng; nợ đã thu hồi là 306,6 tỷ; tổng dư nợ đến thời điểm này là 243,8 tỷ đồng (bao gồm 16 dự án).
Đối với các dự án nhận ủy thác quản lý thu hồi nợ, đến nay, Quỹ đã trình xử lý và thu hồi được gần 69,3 tỷ đồng (nợ gốc gần 64,3 tỷ; nợ lãi gần 5 tỷ đồng). Về đầu tư trực tiếp, dự án thí điểm nhà ở xã hội đến thời điểm này đã bán hết phần diện tích được bán.
Đối với việc quản lý các quỹ nhận ủy thác, Quỹ Đầu tư phát triển thực hiện quản lý hiệu quả 5 quỹ ủy thác (trong đó Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã giải thể năm 2020).
Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga cho rằng việc cơ cấu lại Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ ủy thác là cần thiết
Về Quỹ Phát triển đất, hiện có tổng nguồn vốn là 337 tỷ đồng; thực hiện ứng vốn cho 20 dự án với tổng số tiền đã giải ngân là 369,6 tỷ đồng; thu hồi vốn ứng 182,5 tỷ đồng; dư nợ vốn ứng 187,1 tỷ đồng.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh góp phần thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng…
Tiếp đó, Sở Nội vụ đã báo cáo việc điều chỉnh biên chế công chức và chỉ tiêu hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Mai Trường Sinh trình bày tờ trình về việc điều chỉnh biên chế công chức và chỉ tiêu hợp đồng lao động trong các cơ quan tổ chức hành chính; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021
Theo tờ trình, tổng biên chế công chức và hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Hà Tĩnh năm 2021 là 2.266 biên chế công chức (bằng kế hoạch giao của Bộ Nội vụ).
Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành (thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh): Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn thị xã Kỳ Anh gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân vì thiếu biên chế thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực này.
Tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao là 26.530 người; trong đó, sự nghiệp GD&ĐT là 22.690 người, biên chế bổ sung tuyển dụng giáo viên hợp đồng 2059 theo Nghị quyết số 224/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh là 206 người, biên chế sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác là 640 người (bổ sung 5 biên chế cho Đội Quản lý trật tự đô thị TX Kỳ Anh). Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 335 người, trong đó cơ quan hành chính là 189 chỉ tiêu (bổ sung 4 chỉ tiêu).
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đánh giá cao sự chất lượng các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đề nghị Sở Nội vụ, Quỹ Đầu tư phát triển tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.
Việc ban hành nghị quyết thông qua phương án cơ cấu lại Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh là cần thiết, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động của quỹ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với việc bổ sung biên chế, tổ chức cán bộ cần cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo tính pháp lý cũng như thực tiễn, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đề nghị Sở Nội vụ, Quỹ Đầu tư phát triển tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp xem xét, quyết định.
Tin liên quan: