Tiến độ tiêu hủy lúa bị bệnh lùn sọc đen mới đạt 92,12%

Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh vừa cho biết, tính đến ngày 21 - 8, toàn tỉnh có 2.389 ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen và 2.045 ha lúa bị bệnh sâu cuốn lá. Mặc dù đã quá 6 ngày kể từ khi UBND tỉnh quyết định gia hạn tiến độ nhưng tổng diện tích tiêu hủy lúa bị bệnh lùn sọc đen mới đạt 1.039/1.128 ha (bằng 92,12%).

Cụ thể: Kỳ Anh 612/653 ha, Cẩm Xuyên 310/321 ha, Thạch Hà 60/67 ha, Can Lộc 25/35 ha, thành phố Hà Tĩnh 23,11/25,71ha, Lộc Hà 5,5/11,19 ha, Đức Thọ 3,88/4 ha.

Cày dập gốc ra, không để lúa chét phát triển là biện pháp quan trọng để hạn chế lây lan mầm bệnh trong vụ sản xuất tiếp theo
Cày dập gốc ra, không để lúa chét phát triển là biện pháp quan trọng để hạn chế lây lan mầm bệnh trong vụ sản xuất tiếp theo

Theo ông Lê Anh Ngọc - Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh, nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiêu hủy lúa bị bệnh lùn sọc đen là do nhiều địa phương chỉ bị nhiễm bệnh ở mức độ vừa, trong đó, một số cây vẫn xuất hiện bông nên người dân không tiến hành xử lý mà nán lại để hy vọng có thêm thu hoạch.

Thứ nữa là do một số vùng cao đang thiếu nước nên không đủ điều kiện do việc cày dập gốc ra sau khi cắt bỏ lúa.

Một nguyên nhân nữa là do thời gian này đang là giai đoạn nông nhàn nên phần lớn trụ cột gia đình đều đi làm ăn xa dẫn đến không có nhân lực phục vụ việc tiêu hủy.

Trước tình hình này, Chi cục đề nghị các địa phương cần tiếp tục soát xét diện tích để hoàn thành việc tiêu hủy.

Đối với những ruộng vừa cắt lúa thì tiến hành cày dập, không để lúa chét phát triển.

Với những diện tích đã được cày vùi thì giữ nước trong ruộng kết hợp bón vôi để nhanh diệt mầm bệnh.

Ngoài ra, các địa phương có diện tích lúa mùa nhiều cần tiếp tục cảnh giác, không được chủ quan với sâu cuốn lá, sâu đục thân cuối vụ do thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa nên rất thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, gây hại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast