Tết sum vầy, đậm đà bản sắc

(Baohatinh.vn) - Tết Nguyên đán Quý Mão về trong hương đất khí trời và tâm trạng náo nức của lòng người chào đón một năm mới tràn đầy nhựa sống. Thêm một cái tết sum vầy, ngập tràn yêu thương và đậm đà bản sắc dân tộc đến với muôn nhà.

Tết sum vầy, đậm đà bản sắc

“Hoan Châu đệ nhất danh lam” - Chùa Hương Tích (nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Thiên Lộc, Can Lộc) điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi tết đến, xuân về.

Xuân sum vầy

Hàng ngàn năm nay, tết Nguyên đán đã thành một điểm hẹn văn hóa và tâm linh trong đời sống người dân Việt Nam. Qua bao thăng trầm của lịch sử, bao biến cải của đất trời, tết Việt vẫn chẳng bao giờ bị phai nhạt. Trong giai đoạn hiện nay, khi chiến tranh đã lùi xa, đời sống vật chất đủ đầy, tết Việt lại càng thêm đậm đà bản sắc. Nhiều lễ hội tết cổ truyền được phục hồi trên cả nước, nhiều mỹ tục được coi trọng càng làm cho tình cộng đồng, họ tộc, gia đình thêm sâu nặng, gắn kết.

Mở đầu cho chuỗi các ngày tết là lễ cúng ông Táo, ông Công vào ngày 23 tháng Chạp. Dân gian quan niệm, ông Công và ông Táo là những người trông coi, theo dõi mọi sự trong gia đình suốt một năm qua, nay về trời để báo với Thiên đình những việc làm của gia chủ. Lễ cúng tiễn ông Táo tuy đơn giản nhưng thấm nhuần tính nhân văn vì thể hiện lòng biết ơn của người Việt. Những năm gần đây, lễ cúng ông Táo, ông Công là một điểm hẹn của những người con ở mọi quốc gia trên thế giới hội tụ về quê hương, cùng tham dự nghi lễ phóng sinh cá chép tại Phủ Chủ tịch và chương trình xuân quê hương, gặp mặt kiều bào xa Tổ quốc về đón tết Nguyên đán do Đảng và Nhà nước ta tổ chức.

Tết sum vầy, đậm đà bản sắc

Người dân Hà Tĩnh mua sắm vật phẩm thờ cúng cuối năm.

Một trong những nghi thức dịp tết cổ truyền không thể thiếu là sửa sang, dọn dẹp mồ mả cho tổ tiên, ông bà và soạn sửa nhà thờ dòng họ. Tùy từng dòng họ chọn ngày phù hợp nhưng thường là từ ngày 20 đến 29 tết. Đây là dịp hội tụ con cháu, thể hiện lòng tưởng nhớ, tri ân với ông bà, tổ tiên nhân dịp năm mới.

Tâm điểm của ngày tết phải là lễ cúng và bữa cơm tất niên chiều ba mươi. Nghi lễ này có thể được tổ chức vào buổi trưa. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất mà bao người hướng tới. Nhà nhà sum họp, con cháu quây quần. Những đứa con từ mọi miền xa xôi háo hức, chờ đón giây phút được gặp lại người thân sau bao ngày xa cách, để rưng rưng nhớ về ông bà, cha mẹ đã khuất, để được nhìn ngắm dáng hình mẹ cha còn thượng tại, nghe những lời dặn dò ân cần, để anh em cùng nâng ly rượu cuối năm, chia sẻ những vui buồn cuộc sống, trẻ nhỏ xúng xính khi được khoe những bộ quần áo mới. Trong mùi trầm hương ngào ngạt, trong ánh đèn lung linh và mâm cỗ được sửa soạn, bày biện tinh tươm, tất cả như cùng đoàn viên, sum họp.

Tết sum vầy, đậm đà bản sắc

Xôi gà là vật phẩm không thể thiếu trong mâm cỗ cúng đêm giao thừa.

Sau lễ cúng tất niên là lễ cúng giao thừa, có người gọi là sang canh. Lễ này để cúng Phật và đất trời, các vị thần linh vào lúc 0h ngày mùng 1 tết, lúc tiếng chuông chùa và nhà thờ ngân lên cùng với tiếng nhạc, lời ca, lời chúc tết của Chủ tịch nước. Vào những giây phút thiêng liêng nhất của năm mới, mọi người gửi gắm bao ước vọng tốt lành, niềm tin yêu với gia đình, bạn bè, tình yêu với quê hương, đất nước. Khoảnh khắc trời đất giao hòa, khí trời ấm áp, hoa lá đâm chồi nảy lộc, lòng người rộn lên những cảm xúc thiêng liêng, chan chứa niềm vui. Những lời chúc tốt lành vang lên khi những màn pháo hoa bung nở trên bầu trời hứa hẹn một năm an vui, hạnh phúc, nhà nhà no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.

Tết yêu thương

Tết Việt theo truyền thống dân tộc còn là tết yêu thương. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” hàng chục năm nay tiếp tục được phát huy khi chuẩn bị cho tết Nguyên đán, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến tận cơ sở đều chăm lo cho người nghèo và gia đình chính sách. Trước tết, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã đi thăm hỏi, tặng quà, chúc tết các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Với đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội lập danh sách các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi, quyên góp và trao tận tay các suất quà tết nhằm góp phần giúp họ có một cái tết ấm áp trong tình yêu thương của cộng đồng. Rất nhiều tổ chức từ thiện đã làm việc không biết mệt mỏi cho đến giáp tết với mong muốn các suất quà tết được trao sớm nhất có thể.

Tết sum vầy, đậm đà bản sắc

Đại diện Báo Hà Tĩnh, BIDV Nam Hà Tĩnh, lãnh đạo xã Kỳ Lợi trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong dịp tết, đã có hàng nghìn suất quà của các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, các ngân hàng, doanh nghiệp trao cho người dân Hà Tĩnh, trong đó có 1.000 suất quà của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup trao cho huyện Lộc Hà. UBND tỉnh đã trích ngân sách 8,8 tỷ đồng cấp cho các địa phương để bố trí kinh phí tặng quà người có công và các hoạt động liên quan dịp tết Quý Mão 2023. Tranh thủ từng ngày, từng giờ, những chuyến xe, những bước chân đang hối hả len lỏi trong các đường làng, ngõ phố để trao quà, trao tình yêu thương của cộng đồng tới bà con.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, một mỹ tục được duy trì hằng năm ở các cộng đồng dân cư là tổ chức mừng thọ cho các bậc cao niên vào ngày mùng 4 tết. “Yêu trẻ, trẻ đến nhà, kính già, già để tuổi cho”, các địa phương, các gia đình coi đây là một lễ quan trọng. Cùng với những đồng tiền lì xì cho trẻ nhỏ, việc tổ chức mừng thọ làm cho không khí tết thêm đậm đà bản sắc, thể hiện phẩm chất của người Việt luôn kính già, yêu trẻ.

Tết sum vầy, đậm đà bản sắc

Đồi chè Hương Trà rộng 15 ha nằm ở thôn Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê). Điểm du lịch này được thiết kế với nhiều biểu tượng lạ mắt, cổng vào điểm check in, trồng hoa, cây cảnh nhằm phục vụ du khách vui chơi dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Những ngày đầu năm mới, nhiều địa điểm du xuân, nhiều di tích lịch sử văn hóa cũng tấp nập bước chân như chùa Hương Tích, đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc... và các lễ hội đua thuyền, lễ tế các ông tổ sư nghề làm cho không khí xuân thêm tưng bừng, náo nức. Người dân gửi ước vọng một năm mới an vui, hạnh phúc, thành công viên mãn trong lễ hội và thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, điều đó làm cho văn hóa truyền thống Việt Nam càng được tô đậm thêm.

Tết sum vầy, đậm đà bản sắc

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast