Tiếp vốn cho sản xuất kinh doanh, dư nợ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

(Baohatinh.vn) - Đến 30/11, dư nợ ngành ngân hàng trên toàn địa bàn Hà Tĩnh ước đạt 88.350 tỷ đồng, tăng 23,09% so với cuối năm 2021.

Năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói vay phục vụ đầu tư và tiêu dùng nhằm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Nguồn vốn được giải ngân tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp vốn cho sản xuất kinh doanh, dư nợ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Hà Tĩnh.

Nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng cũng được các ngân hàng triển khai nên đã thu hút lượng lớn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia vay vốn. Một số chương trình tín dụng chính sách như: cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020; cho vay theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...

Tính đến 30/11/2022, dư nợ của hệ thống ngân hàng tại Hà Tĩnh ước đạt 88.350 tỷ đồng, tăng 23,09% so với cuối năm 2021. Điều đáng nói là mặc dù tốc độ tăng trưởng dư nợ khá cao, song nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nên chất lượng tín dụng trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, nợ xấu toàn địa bàn chỉ chiếm 0,73% tổng dư nợ.

Tiếp vốn cho sản xuất kinh doanh, dư nợ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Từ đầu năm lại nay, các ngân hàng ở Hà Tĩnh luôn ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Không chỉ đồng hành tiếp vốn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn triển khai quyết liệt, hiệu quả các chính sách theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sớm ổn định SXKD, phục hồi kinh tế.

Lũy kế quá trình thực hiện chính sách (từ tháng 3/2022), ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 1.102 tỷ đồng cho 1.572 khách hàng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 347 tỷ đồng cho 464 khách hàng. Đồng thời, cho vay mới với doanh số lũy kế đạt hơn 90.973 tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 100.158 khách hàng với tổng giá trị nợ 47.392 tỷ đồng, số tiền lãi được hạ 151 tỷ đồng (mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,5% - 2,5%/năm).

Cùng với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách - xã hội tỉnh cũng thực hiện giải ngân cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với doanh số cho vay đạt 5.486 triệu đồng.

Tiếp vốn cho sản xuất kinh doanh, dư nợ ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tăng trưởng khá

Công ty CP Dược Hà Tĩnh được nhiều ngân hàng trên địa bàn cho vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm lại nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN Việt Nam, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Theo đó, lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn phổ biến 5,5 - 11%/năm, trung dài hạn phổ biến 10,5 -13,5%/năm; lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2 - 4,5%/năm, trung và dài hạn phổ biến mức 5,5 - 5,6%/năm.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast