Gia đình văn hóa - xã hội văn minh!

(Baohatinh.vn) - Mỗi gia đình một cảnh sống, cách sống, nhưng tất cả đều hướng đến niềm vui, hạnh phúc và tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Gia đình văn hóa tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam, qua đó, góp phần phát triển xã hội...

Cụ Nguyễn Bá Thiếp (tổ dân phố 5, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh): Căn dặn con cháu luôn phải giữ gìn nền nếp gia đình

gia dinh van hoa xa hoi van minh

Vốn là thầy giáo, tôi nghiêm khắc trong chuyện dạy bảo con cháu, xây dựng nếp sống gia đình. Trước đây, cuộc sống khó khăn, nhưng tôi luôn răn dạy con cháu sống hòa thuận, kính trên nhường dưới không chỉ trong gia đình mà còn với xóm làng. Về hưu, tôi vẫn tham gia hoạt động Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học ở thành phố và ở phường. Bởi muốn bảo ban con cháu thì ông bà phải làm gương; ông bà tích cực tham gia hoạt động xã hội sẽ là nền tảng, bản lề để con cháu tham gia.

Gia đình tôi hiện có 3 thế hệ cùng chung sống trong một nhà rất hòa thuận. Con hiếu thảo, các cháu vâng lời ông bà, bố mẹ, chăm ngoan học giỏi, kính trên nhường dưới. Các thành viên trong gia đình hết lòng vì công việc xã hội, tham gia đầy đủ các hoạt động của tổ dân phố, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Tôi vẫn luôn tâm niệm và căn dặn con cháu, dù ở đâu, làm gì cũng phải luôn giữ gìn nền nếp gia đình, đó là nền tảng gia đình ta từ xưa đến nay.

Chị Phan Thị Bích Ngại (thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà): Cả nhà tôi đều yêu thể thao, mê ca hát

gia dinh van hoa xa hoi van minh

Là phụ nữ, tôi luôn nỗ lực làm tròn vai một người con dâu, người vợ, người mẹ, làm hậu phương vững chãi cho 3 bố con. Ngoài ra, tôi cũng tham gia công tác xã hội, làm cán bộ dân số, cán bộ hội phụ nữ để vừa nâng cao kiến thức, kỹ năng, vừa cùng các chị em xây dựng phong trào thôn, xã. Trong gia đình, chúng tôi luôn tôn trọng nhau, bình đẳng, yêu thương, san sẻ và giữ hòa khí “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa mấy đời nào khê”.

Xây dựng môi trường gia đình văn hóa lành mạnh, truyền tải những nét đẹp văn hóa vào các con, cả nhà tôi đều mê ca hát, yêu thể thao mà đặc biệt là tình yêu với dân ca ví, giặm. Các thành viên trong gia đình đều tham gia CLB dân ca ví, giặm của xã, cũng từng tham dự các hội thi và đạt nhiều giải cao. Nhờ những hoạt động tập thể, cả gia đình cùng tham gia, chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ trong công việc, cuộc sống; cả nhà vui vẻ, đầm ấm hơn nhờ những làn điệu dân ca, những hoạt động thể thao.

Ông Phan Xuân Hồng (tổ dân phố 3, phường Sông Trí, TX Kỳ Anh): Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

gia dinh van hoa xa hoi van minh

Truyền thống gia đình Việt Nam ta thì cha mẹ là những cây cao bóng cả, là người có ảnh hưởng lớn nhất đến con cái, nên mỗi hành động, lời nói, việc làm của cha mẹ phải mẫu mực, làm gương để con cái noi theo. Trong gia đình, chúng tôi luôn nhắc nhở, bảo ban con; trân trọng những thành công của con dù là nhỏ nhất.

Bản thân vừa là người cha, vừa là chủ doanh nghiệp, tôi luôn lấy chữ tâm làm tín, chữ đức làm trọng; quan tâm xây dựng hạnh phúc gia đình, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả SXKD, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa của doanh nghiệp. Gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ là điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, doanh nghiệp.

Ông Võ Quang Hoa (thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên): Trách nhiệm với gia đình bao nhiêu, trách nhiệm với xã hội bấy nhiêu

gia dinh van hoa xa hoi van minh

Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo đạo công giáo, kính Chúa, yêu nước, noi gương cha mẹ, tôi lên đường nhập ngũ. Khi hoàn thành nghĩa vụ, về quê, tôi tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương, từ cán bộ đoàn đến phó bí thư chi bộ, thôn trưởng… Năm 1986, tôi xây dựng gia đình, đến nay đã có 3 người con. Có gia đình, trách nhiệm với gia đình bao nhiêu thì tôi lại càng thấy trách nhiệm với xã hội bấy nhiêu.

Vợ chồng tôi đã cùng nhau đóng thuyền, mua sắm ngư cụ bám biển sản xuất, nuôi dạy con ăn học nên người. Có vợ con ủng hộ, chia sẻ công việc xã hội và sự tin yêu, tín nhiệm của bà con trong thôn cũng như những nỗ lực không ngừng của bản thân, tôi đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Là cán bộ thôn, trước hết, tôi phải là người chồng, người cha mẫu mực, xây dựng gia đình luôn hòa thuận, êm ấm. Chúng tôi dạy con về đạo làm người, biết nâng niu, quý trọng công sức, mồ hôi của cha mẹ, biết sống hòa nhã và giúp đỡ mọi người. Có lẽ từ những điều nhỏ nhặt, giản dị trong cuộc sống đã giúp các con tôi lớn lên ngoan ngoãn và mọi thành viên trong gia đình luôn tôn trọng, yêu thương nhau.

Chị Nguyễn Thị Hải Lý (thôn Đồn Thượng, xã Đức Liên, Vũ Quang): Khi cả nhà thương yêu nhau

gia dinh van hoa xa hoi van minh

Khi vợ chồng tôi lấy nhau chỉ hai bàn tay trắng, gia đình hai bên nội ngoại đều khó khăn. Lúc đó, chẳng có gì ngoài tình cảm, vợ chồng động viên, chia sẻ và cùng nhau vay vốn để sản xuất. Hễ có ai bỏ hoang đất, chúng tôi lại xin để làm rồi tích cóp dần. Chính những ngày tháng gian khó đó khiến chúng tôi thêm yêu quý và trân trọng nhau. Bây giờ, cuộc sống tuy đỡ khó khăn hơn trước, các con lớn lên hiểu những vất vả của bố mẹ nên cũng chăm học, chăm làm. Hai đứa con, một tốt nghiệp Đại học Luật, một đang theo học Học viện Tài chính là tài sản lớn nhất đối với gia đình tôi.

Đi học xa thì chớ, về nhà, các con lại tham gia các hoạt động tại địa phương; bản thân tôi cũng vừa làm cộng tác viên dân số, vừa làm chi hội phó chi hội phụ nữ thôn và kiêm luôn y tế thôn bản, luôn được chồng động viên, chia sẻ. Vì vậy, với mọi việc đóng góp từ nhỏ đến lớn hay trong tất cả các việc lớn, việc nhỏ của thôn, xã, cả gia đình tôi đều tích cực tham gia. Không gì vui, hạnh phúc bằng cả nhà thương nhau, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast