Phát hiện 8 đạo sắc phong cổ liên quan đến Thái úy Tô Hiến Thành

(Baohatinh.vn) - Trong quá trình khảo sát, sưu tầm, số hóa tư liệu Hán nôm trên địa bàn huyện Nghi Xuân, Bảo tàng Hà Tĩnh đã phát hiện tại đền Thượng (xã Cổ Đạm) hiện đang lưu giữ 8 đạo sắc phong bằng văn tự Hán Nôm cổ thời Nguyễn, liên quan đến nhân vật lịch sử thời Lý, Thái úy Tô Hiến Thành.

Các đạo sắc phong cổ thời Nguyễn liên quan đến nhân vật lịch sử Tô Hiến Thành được Bảo tàng Hà Tĩnh phát hiện

Các đạo sắc phong cổ thời Nguyễn liên quan đến nhân vật lịch sử Tô Hiến Thành được Bảo tàng Hà Tĩnh phát hiện

Các đạo sắc phong cổ nói trên còn nguyên vẹn, có cùng kích thước và trang trí hoa văn giống nhau, được viết bằng chữ Hán cổ trên giấy gió với nét chữ mảnh, rõ và sắc nét, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng…

Qua tìm hiểu ban đầu, nội dung các sắc phong liên quan đến nhân vật lịch sử thời Lý Thái úy Tô Hiến Thành do triều đình nhà Nguyễn phong tặng Trung đẳng thần và Thượng đẳng thần. Sắc phong bao gồm các đời vua Thiệu Trị (1846), Tự Đức (1850 và 1880), Đồng Khánh (1887), Thành Thái (1890), Duy Tân (1909) và Khải Định (1924).

Thái úy Tô Hiến Thành (1102 - 1179) còn có tước hiệu là Tô Đại Liêu, là một danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa thời Lý. Công lao của ông đối với vương triều nhà Lý rất lớn. Đặc biệt, ông đã trực tiếp giúp hai vua Anh Tông và Cao Tông trị vì và điều hành đất nước lúc còn rất trẻ.

Tô Hiến Thành còn có công tổ chức khai hoang lấn biển các vùng ven biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay. Khi ông mất, nhiều nơi đã lập đền thờ tôn vinh ông làm thành hoàng làng trong đó có đền Thượng, thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast