Dự thảo về lệ phí môn bài: Doanh nghiệp lo lắng

(Baohatinh.vn) - Ngày 13/3, Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến dự thảo nghị định về lệ phí môn bài (thay thế cho thuế môn bài hiện hành) với mức thu dự kiến tăng gấp 2-3 lần tùy theo quy mô vốn và bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017. Là loại thuế trực thu có liên quan đến “cơm, áo, gạo, tiền” của hầu hết doanh nghiệp (DN), tiểu thương... nên nghị định này ngay lập tức nhận được sự quan tâm với nhiều nỗi lo có căn cứ.

Phí tăng 3 lần so với mức hiện hành

Thuế môn bài là loại thuế trực thu, định ngạch trên giấy đăng ký kinh doanh của DN cũng như hộ kinh doanh sắp tới sẽ được đổi tên thành “lệ phí môn bài” theo dự thảo nghị định quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí môn bài Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ xin ý kiến. Theo dự thảo, DN có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng sẽ phải đóng lệ phí môn bài 10 triệu đồng/năm; DN có vốn đăng ký từ 10-100 tỷ đồng sẽ đóng 5 triệu đồng/năm; DN có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng đóng 3 triệu đồng/năm; các chi nhánh, cửa hàng trực thuộc đóng 2 triệu đồng/năm.

Lệ phí môn bài là khoản nộp không lớn nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn.

Lệ phí môn bài là khoản nộp không lớn nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn.

So với quy định hiện hành, lệ phí môn bài với DN đều được đề xuất tăng, cao nhất gấp khoảng 3 lần tùy theo quy mô vốn (hiện nay, thuế môn bài được áp dụng từ 1-3 triệu đồng/năm tùy quy mô vốn). Trong khi đó, với đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, mức thu đề xuất lại giảm. Theo đó, doanh thu trên 300 triệu đồng/năm, các hộ, cá nhân đóng lệ phí 1 triệu đồng/năm; từ 100-300 triệu đồng/năm mức thu chỉ còn 300.000 đồng/năm.

Giải trình về sự thay đổi trên, Bộ Tài chính nhận định, chính sách thuế môn bài hiện hành tạo ra nhiều bất cập. Với quy định chia ra làm 6 mức căn cứ vào thu nhập hàng tháng, hàng năm, cơ quan thuế phải tốn nhiều thời gian cho công tác điều tra doanh số, chi phí thu cao. Đồng thời, gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc xác định mức nộp dẫn đến bỏ sót thuế, không phát huy hết chức năng kiểm đếm số lượng cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, mức thuế môn bài hiện hành khi xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Còn hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1,15 triệu đồng (từ 1/5/2016 lên mức 1,21 triệu đồng). Do đó, việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay được đánh giá là không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương.

Xung quanh những nội dung của nghị định, Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh - Đinh Nho Hậu phân tích thêm: “Về bản chất thuế môn bài là một khoản lệ phí, nhằm kiểm kê, kiểm soát số lượng cơ sở có hoạt động kinh doanh trong năm. Vì vậy, việc đổi tên từ “thuế môn bài” thành “lệ phí môn bài” là đúng với định nghĩa, bản chất. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có 2 người phụ thuộc thì thu nhập dưới 16,2 triệu đồng/tháng cũng không phải nộp). Trong khi đó, theo bậc môn bài hiện hành, hộ kinh doanh có thu nhập 300.000 đồng/tháng phải nộp thuế môn bài. Như vậy, quy định về mức thu nhập để phân bậc môn bài hiện hành của hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế…”.

Doanh nghiệp… “toát mồ hôi”

Thu từ thuế (hay phí) môn bài không lớn, ít tác động đến nguồn thu ngân sách nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người kinh doanh. Khoản thu này bắt buộc đối với người kinh doanh, kể cả người buôn bán nhỏ, tiểu thương nên dù thấp vẫn ảnh hưởng đến họ. Vậy nên, dù mới chỉ là dự thảo và đang chờ ý kiến của Chính phủ nhưng việc đề xuất tăng phí môn bài gấp nhiều lần so với quy định hiện hành khiến cộng đồng DN và hộ kinh doanh có những phản ứng khác nhau, nổi bật vẫn là lo lắng bởi “chỉ nghe tăng thuế là… sợ!”.

Theo tính toán, nếu thực hiện dự thảo mới, số thu dự kiến từ lệ phí môn bài cả nước vào khoảng 2.685 tỷ đồng/năm, tăng gần 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều DN bất an vì số tiền thuế bị đẩy lên mặc dù mức nộp của lệ phí môn bài không quá lớn.

Chủ một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh cho rằng: Việc thuế môn bài được đổi tên thành phí môn bài và tăng lên đến 3 lần, mặc dù có căn nguyên và được Bộ Tài chính lý giải rõ ràng, song việc này cũng cần phải có lộ trình. Đành rằng, chi phí nộp ngân sách từ nguồn thu này không quá lớn nhưng với hàng loạt các loại thuế phí khác mà DN đang “cõng” hiện nay thì việc tăng phí môn bài sẽ tăng thêm gánh nặng lên vai DN. Vẫn biết tăng là để phù hợp với tình hình hiện nay, nhưng tăng gấp nhiều lần thì quả là tạo tâm lý bất an cho DN…

Trong khi đó, các hộ kinh doanh lại có phần “thở phào nhẹ nhõm” khi thấy dự thảo nghị định về lệ phí môn bài có nhiều điểm tích cực. Theo đó, không thu lệ phí môn bài đối với những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Nếu vậy, chính sách thuế đã có ưu đãi đối với những người có thu nhập thấp, chứ không “cào bằng” như trước đây.

Chị Phan Thị Hồng – chủ nhà hàng kinh doanh ăn uống chia sẻ: “Nếu xác định lệ phí môn bài theo nghị định mới thì khoản tiền phải nộp của tôi có khả năng được giảm xuống. Vì doanh thu mỗi năm trên 300 triệu đồng mới phải đóng mức 1 triệu đồng, doanh thu thấp hơn thì mức đóng chỉ là 300.000 đồng/năm”…

“Hiện tại, mức thu trong dự thảo đưa ra chỉ là dự kiến ban đầu, đang được trình xin ý kiến nên chưa có cơ sở để đánh giá chính xác sự thay đổi mức thu. Hơn nữa, mục tiêu thu của khoản phí này không nhằm tăng thu ngân sách mà chủ yếu phục vụ công tác quản lý, cũng như đáp ứng yêu cầu ổn định chính sách…” - Cục trưởng Cục Thuế Đinh Nho Hậu thông tin thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast